Căn nhà nhỏ của gia đình anh Nguyễn Văn Can (33 tuổi) và chị Nguyễn Thị Thuý (35 tuổi) ở xã Xuân Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá những ngày này luôn rộn tiếng trẻ nhỏ nô đùa, chạy nhảy. Hai bé song sinh Thiên An và Thiên Ý (cùng 3 tuổi) nô đùa quanh nhà, thi thoảng chạy tới đẩy xe lăn cho bố, rồi lại nhào vào ôm vai bá cổ mẹ.
Dù cuộc sống còn khó khăn, thiếu thốn vật chất song tổ ấm nhỏ luôn tràn ngập tiếng cười nói của bốn thành viên. Nhìn con vui vẻ, cặp vợ chồng khuyết tật như được tiếp thêm sức mạnh để cố gắng mỗi ngày.
Ước ao được làm mẹ
Chị Thuý sinh ra lành lặn như bao đứa trẻ khác, nhưng năm lên 10 tuổi chị không may bị viêm màng não, do di chứng của bệnh nên vận động khó khăn, tay, chân bên trái yếu, đi tập tễnh.
Trong khi đó, anh Can là con cả của gia đình nghèo. Năm lớp 10, anh phải bỏ ngang để vào miền Nam kiếm tiền giúp đỡ gia đình, nuôi 2 em nhỏ.
Một buổi chiều khi đang lao động, tai nạn ập xuống, anh bị cẩu bê tông rơi thẳng vào lưng. Khi tỉnh dậy anh thấy mình nằm trên giường bệnh và được bác sĩ thông báo "chấn thương cột sống, liệt tủy, đôi chân vĩnh viễn mất cảm giác, buộc phải ngồi xe lăn suốt đời". Anh lịm đi vì sốc. Anh cũng mất hoàn toàn khả năng về sinh dục và bài tiết.
Năm 2017, trong một buổi sinh hoạt câu lạc bộ người khuyết tật ở Thanh Hóa, chị Thúy quen anh Can, ban đầu cả hai dè dặt, ái ngại chẳng dám hỏi thăm. Lâu dần, những tin nhắn qua lại như sợi dây kết nối ngày một chặt mối quan hệ của anh chị.
Chị Thuý kể, cả hai mất 8 tháng tìm hiểu nhau. Bỏ ngoài tai những dị nghị, gièm pha của thiên hạ, gạt bỏ những lo toan về một tương lai còn đầy khó khăn, anh chị quyết định dọn về chung một nhà vào đầu năm 2018.
Hằng ngày, anh chị cùng nhau đi bán vé số, thẻ cào điện thoại, cuộc sống thiếu thốn nhưng an yên. Họ từ 2 hoàn cảnh khốn khó tìm đến và trở thành mảnh ghép hoàn hảo của nhau.
Sau một thời gian về chung nhà, cả hai bắt đầu mong mỏi có mụn con để sớm tối vui vầy không khí gia đình. “Bản thân mình muốn được làm mẹ, hai vợ chồng cũng mong có đứa con nối dõi tông đường, làm chỗ nương tựa tuổi già bóng xế", chị Thúy bộc bạch.
Bản năng làm mẹ luôn trỗi dậy trong tâm trí chị Thúy. Dù còn rất nhiều khó khăn về sức khỏe, thiếu thốn về kinh tế nhưng anh chị vẫn luôn hy vọng sẽ có thể có được con nhờ kỹ thuật hiện đại. Từ suy nghĩ ấy, anh chị bước vào hành trình tìm con bằng làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Có con ngay lần đầu chuyển phôi
Giữa năm 2018, với số tiền hai vợ chồng dành dụm được chút ít, cùng với phần cho vay của bạn bè, anh chị khăn gói lên Hà Nội để thăm khám. Qua thăm khám sàng lọc và kết quả xét nghiệm ban đầu cho thấy cả hai vợ chồng đều đảm bảo sức khỏe để IVF.
Anh Can nhớ lại: “Lúc đó tôi hạnh phúc lắm vì biết vẫn còn cơ hội được làm bố. Tôi từng rất tự ti vì cơ thể tàn tật, chẳng thể sinh hoạt chuyện vợ chồng và sẽ chẳng thể có con nhưng y học hiện đại lại giúp tôi làm được điều không tưởng”.
Bác sĩ Hà Ngọc Mạnh, Phó giám đốc Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Việt Bỉ (Hà Nội) cho biết, bệnh nhân Can được làm vi phẫu mổ tinh hoàn bằng kỹ thuật Micro-TESE để tìm tinh trùng. Kết quả ngoài sức tưởng tượng, ngay lần đầu mổ vi phẫu đội ngũ bác sĩ tìm được tinh trùng khỏe, chất lượng để IVF cho đôi vợ chồng trẻ.
Dù tìm được tinh trùng tốt nhưng kinh tế chưa cho phép nên phải nửa năm sau, chị Thuý mới có tiền để chọc hút trứng. 14 ngày sau chuyển phôi, chị Thúy đi xét nghiệm beta HCG, cả hai ôm nhau bật khóc khi chỉ số báo đậu thai cao. Họ càng bất ngờ hơn khi bác sĩ phân tích rằng chị mang thai đôi.
Khi đậu thai chị lại chẳng thể yên tâm do cơ thể của mẹ không lành lặn chỉ sợ ảnh hưởng đến 2 em bé. May mắn, thai kỳ trôi qua thuận lợi, chị chỉ bị ốm nghén chút ít, vẫn ăn uống đều đặn. Do bầu đôi nên bước sang tam cá nguyệt thứ hai, thai dần to lên cơ thể chị bắt đầu đau nhức, bản thân lại kém vận động nên mọi sinh hoạt của chị gặp khó khăn.
Đến tuần thứ 35, chị Thúy sinh non hai bé gái được đặt tên là Thiên An và Thiên Ý. Nhìn hai em bé lọt lòng lành lặn, gia đình nội ngoại hai bên của anh chị không giấu được những giọt nước mắt vì hạnh phúc. Sau sinh, hai con được chuyển đến khoa chăm sóc sơ sinh và nằm lồng kính chín ngày, ngày thứ 10 được về ghép mẹ.
Từ ông bố, bà mẹ mang trong mình khiếm khuyết, giờ đây họ đã thành những phụ huynh hoàn hảo theo cách riêng. Hiện, những ngày nắng ráo, anh Can vẫn ngồi xe lăn đi bán vé số, thẻ điện thoại, thu nhập dù ít ỏi, bữa đói bữa no nhưng họ luôn dành tình yêu thương trọn vẹn cho 2 cô con gái bé bỏng.
Bình luận