Chín năm “tìm con”, chị Đinh Thị Niềm và anh Nguyễn Văn Yên, người dân tộc Tày, ở huyện miền núi Bắc Quang - Hà Giang phải đối mặt với muôn vàn áp lực. Chị Niềm bị tắc 2 bên vòi trứng nên không thể có con tự nhiên. Kinh tế khó khăn, không ít lần chị có ý định buông bỏ hành trình “tìm con”.
Năm 2021, chị may mắn trở thành một trong 10 gia đình được nhận hỗ trợ miễn phí 100% chi phí thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Đến tháng 6/2022, sau gần một thập kỷ mong mỏi, vợ chồng chị đã đón được con yêu.
“Tôi vẫn nhớ như in khoảnh khắc đầu tiên nhìn thấy con, rồi ôm con trong vòng tay. Đó như một giấc mơ vậy, giấc mơ mà hai vợ chồng phải chờ đợi suốt gần một thập kỷ. Ngày nhận tin vợ đậu thai và ngày đón con chào đời, chồng tôi vỡ oà trong hạnh phúc, anh bế con mà rưng rưng nước mắt”, chị Niềm xúc động nói.
Gia đình chị Phạm Thị Thanh Hương và anh Hà Minh Tráng (Vĩnh Phúc) cũng trong hoàn cảnh tương tự. Cả hai phải mất 10 năm ròng rã “tìm con”. Anh Hà Minh Tráng bị hiện tượng vô tinh do tắc ống dẫn tinh, không có tinh trùng trong tinh dịch. Các bác sĩ của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội thực hiện phương pháp PESA - chọc hút tinh trùng từ mào tinh hoàn, sau đó kết hợp cùng trứng của vợ và nuôi phôi lên ngày 5. Kết quả là anh chị đã đón được con vào cuối năm 2022.
Kém may mắn hơn các cặp vợ chồng kể trên, gia đình chị Trần Thị Xuân Thùy và anh Lê Anh Tuấn (Hà Nội) đều mang gene bệnh tan máu bẩm sinh – Thalassemia. Nếu thụ thai và sinh con tự nhiên sẽ có khả năng mắc bệnh do di truyền từ bố mẹ. Chưa kể, chị Thuỳ còn bị u xơ tử cung dưới niêm mạc và polyp buồng tử cung ảnh hưởng đến kết quả làm tổ thành công của phôi thai.
Hai vợ chồng chị vừa phải nội soi cắt Polyp và U xơ để tăng khả năng chuyển phôi thành công, vừa phải xét nghiệm di truyền tiền làm tổ trước chuyển phôi để có thể sinh bé khoẻ mạnh.
Sau nhiều lần chuyển phôi thất bại, năm 2021 chị Thuỳ được bác sĩ thông báo đậu song thai. Giữa năm 2022 hai thiên thần nhỏ đã chào đời trong niềm hạnh phúc của hai bên nội ngoại.
Tại lễ Kỷ niệm 11 năm thành lập khoa Hỗ trợ sinh sản (2012 – 2023) và Tổng kết chương trình “Tuần Lễ Vàng - Uơm mầm hạnh phúc 2023” hôm 15/5, BSCKI Phạm Văn Hưởng - Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, bác sĩ hỗ trợ sinh sản là người hiểu rõ gánh nặng chi phí mà các cặp vợ chồng hiếm muộn lâu năm phải chi trả để theo đuổi hành trình tìm kiếm con yêu. Vì vậy, chương trình Tuần Lễ Vàng của bệnh viện được duy trì thường niên từ năm 2015 đến nay với nhiều gói hỗ trợ thiết thực cả về số lượng lẫn giá trị ưu đãi.
Ths.BS Lê Thị Thu Hiền - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện chia sẻ, 11 năm đồng hành cùng các cặp vợ chồng trên hành trình tìm kiếm con yêu là 11 năm các bác sĩ của bệnh viện trăn trở, tìm tòi và nỗ lực không ngừng trong công việc để nối dài thêm những yêu thương, mang đến tiếng cười nói trẻ thơ, vun đắp thêm những vẹn tròn hạnh phúc cho biết bao gia đình hiếm muộn.
Bình luận