Theo BHXH Hải Phòng, tính đến nay, tổng số tiền chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN) ở mức 820,9 tỷ đồng, chiếm 5,45% kế hoạch thu, giảm 0,15% tỷ lệ chậm đóng so với cùng kỳ (tháng 10/2023 là 5,6 %). Trong đó, chậm đóng từ 1 tháng đến dưới 3 tháng là 24,9 tỷ đồng; chậm đóng từ 3 tháng đến dưới 6 tháng: 22,7 tỷ đồng; chậm đóng từ 6 tháng trở lên: 559,2 tỷ đồng.
10 tháng đầu năm 2024, BHXH Hải Phòng thực hiện thanh tra tại 100 đơn vị sử dụng lao động chậm đóng số tiền BHXH, BHTN, BHYT là 39,7 tỷ đồng. Trước, trong và sau thanh tra, các đơn vị đã nộp số tiền chậm đóng 12,4 tỷ đồng, đạt 31,2%. BHXH Hải Phòng ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 89 đơn vị sử dụng lao động với số tiền 1,8 tỷ đồng.
Bên cạnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, BHXH Thành phố còn tích cực tổ chức hội nghị làm việc với các đơn vị chậm đóng bảo hiểm, từ đó bàn bạc, thống nhất đưa ra lộ trình nộp số tiền nợ.
Kết quả trong tháng 10 đã tổ chức được 11 hội nghị làm việc với các đơn vị chậm đóng bảo hiểm trên địa bàn thành phố; gửi giấy mời tới 181 đơn vị sử dụng lao động (số tiền chậm đóng là 7,97 tỷ đồng). Kết quả có 68 đơn vị tham dự hội nghị, số tiền thu được trước và sau tổ chức hội nghị là 3,56 tỷ đồng.
Từ đầu năm đến nay, 92 hội nghị làm việc với đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN được tổ chức; gửi giấy mời tới 1.920 đơn vị sử dụng lao động với số tiền chậm đóng là 356,6 tỷ đồng. Kết quả có 695 đơn vị tham dự hội nghị, số tiền thu được trước và sau tổ chức hội nghị là 145,2 tỷ đồng.
Tại hội nghị làm việc với các đơn vị chậm đóng bảo hiểm, đại diện BHXH Hải Phòng phổ biến các quy định về lao động, tiền lương, hợp đồng lao động, trách nhiệm giao kết hợp đồng lao động; thông tin việc giám sát thực hiện chính sách BHXH cho người lao động tại các đơn vị; phổ biến các quy định về đối tượng đóng, mức đóng, phương thức đóng, trách nhiệm tham gia, đóng BHXH, BHYT bắt buộc của đơn vị, doanh nghiệp, người lao động; các lợi ích, quyền lợi của đơn vị, doanh nghiệp và của người lao động khi tham gia, đóng BHXH, BHYT bắt buộc…
Hội nghị dành phần lớn thời gian để đối thoại, giải đáp chính sách, những vướng mắc mà doanh nghiệp và người lao động gặp phải trong thực tế khi tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT.
Bên cạnh đó, UBND TP Hải Phòng chỉ đạo các địa phương, sở, ngành không bình xét, đề nghị khen thưởng đối với đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN và xem xét, cân nhắc việc phê duyệt hồ sơ tham gia đấu thầu, thuê đất... đối với những doanh nghiệp này. Cùng với đó là công khai danh sách các đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm lên các phương tiện thông tin đại chúng.
Để nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT của đơn vị, doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng, các chế tài xử lý đối với doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN cần phải mạnh hơn, quyết liệt hơn để tránh gây tình trạng “nhờn” luật”.
Cụ thể, với doanh nghiệp có nhiều lao động, nếu không đóng bảo hiểm trong vài tháng, số tiền doanh nghiệp chiếm dụng lên đến hàng trăm triệu hay vài tỷ đồng. So với việc xử phạt vi phạm hành chính, theo quy định mức phạt trần tối đa là 75 triệu đồng thì vẫn có lợi. Vì vậy, để mạnh tay hơn đối với những đơn vị này, nhiều ý kiến cho rằng cần nghiên cứu, xem xét tăng chế tài xử lý như: tăng mức phạt, tăng lãi chậm đóng, xử lý hình sự.
Bình luận