Theo Sohu, việc sử dụng gừng thường xuyên trong mùa đông có tác dụng rất tốt trong việc giữ ấm cơ thể, phòng ngừa cảm lạnh. Bên cạnh cách sử dụng gừng trực tiếp trong các món ăn hàng ngày hoặc làm nước cốt gừng tươi để uống, ngâm chân, bạn còn có thể học cách tự làm giấm gừng.
Tác dụng của giấm gừng
Theo y học cổ truyền Trung Quốc, việc sử dụng giấm gừng thường xuyên sẽ mang lại những ích lợi sau:
Làm ấm bụng
Gừng là thực phẩm có tính ấm, ngâm gừng có thể bổ tỳ, làm ấm dạ dày, giảm bớt các triệu chứng khó chịu như chướng bụng, đầy hơi do tỳ vị kém.
Thúc đẩy tiêu hóa
Cả giấm và gừng đều có thể kích thích tiết axit dạ dày, đẩy nhanh nhu động đường tiêu hóa và lưu lượng máu, hỗ trợ tiêu hóa, đặc biệt tốt với những người cần giảm cân.
Giảm viêm khớp
Các hoạt chất trong gừng có thể kích thích mạch máu và đẩy nhanh quá trình lưu thông máu. Việc uống giấm gừng thường xuyên với liều lượng hơpk lý có thể làm giảm các triệu chứng như sưng khớp và đau do viêm khớp.
Bổ khí, làm ấm
Gừng ngâm giấm có tác dụng rất tốt cho những người có cơ địa lạnh, vì bản thân gừng là thực phẩm có tính nóng, có tác dụng bổ dương rất tốt, còn giấm có thể đưa dương khí trong gừng vào gan.
Trì hoãn sự lão hóa
Hoạt chất gingerol trong gừng có thể tác dụng chống lại quá trình ôxy hóa trong cơ thể con người, có vai trò rất tốt trong việc trì hoãn lão hóa. Gừng cũng chứa một số axit amin và men vi sinh, cũng có tác dụng thúc đẩy quá trình trao đổi chất của con người.
Giảm ho đờm
Đối với những người bị ho, có đờm, ho ra máu, việc dùng giấm gừng đúng cách có tác dụng tiêu đờm, giảm ho. Ngoài ra, giấm gừng còn có tác dụng loại bỏ ứ máu, tiêu tích tụ.
Cách làm giấm gừng
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- Gừng non: 500gr (nên chọn gừng non để giảm độ cay)
- Đường nâu: 125gr
- Giấm gạo hoặc giấm đỏ: 300ml.
Cách làm giấm gừng gồm các bước sau:
Gừng mua về rửa thật sạch, lau khô nước trên bề mặt. Vỏ gừng non tương đối mỏng nên bạn có thể dễ dàng gọt vỏ. Dùng dao cắt gừng thành từng lát mỏng khoảng 2mm.
Chuẩn bị một lọ thủy tinh đã được rửa sạch, phơi khô và tiệt trùng, cho một lớp gừng cắt lát vào rồi đến một lớp đường nâu, cứ lần lượt như vậy cho đến khi hết gừng thì phủ đường nâu lên toàn bộ bề mặt gừng.
Đổ giấm vào lọ sao cho ngập gừng, đậy kín và để lọ vào nơi thoáng mát, khoảng 3 ngày là có thể dùng.
Giấm gừng sau khi hoàn thiện cần bảo quản trong tủ lạnh và sử dụng trong vòng 1 tháng.
Nên sử dụng giấm gừng vào buổi sáng, mỗi lần dùng 2 thìa pha nước ấm để uống. Gừng tính ấm, vị cay nồng, có thể làm ấm dạ dày, đẩy nhanh quá trình lưu thông máu, giúp tinh thần thêm sảng khoái.
Đặc biệt, với người bị đầy bụng, tiêu hóa kém, việc sử dụng giấm gừng thường xuyên sẽ giúp hỗ trợ tiêu hóa, không chỉ khỏe mạng mà còn giúp giảm cân dễ dàng hơn.
Lưu ý:
- Chọn gừng non khi làm giấm gừng, thành phẩm sẽ có hương vị thơm ngon, dễ sử dụng hơn.
- Nếu muốn gừng ngâm giấm để được lâu, bạn có thể thái lát và phơi khô dưới nắng trước khi ngâm.
Bình luận