• Zalo

Cà Mau: Đa dạng các sản phẩm OCOP từ tôm

Thị trườngThứ Ba, 28/11/2023 15:07:13 +07:00Google News
(VTC News) -

Để đa dạng hóa cũng như nâng cao giá trị tôm Cà Mau, nhiều hộ dân, DN, tổ chức kinh tế tập thể sáng tạo, phát triển thành sản phẩm có nguồn gốc địa phương OCOP.

Tính đến nay, toàn tỉnh Cà Mau có 137 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 53 sản phẩm của 22 chủ thể được chế biến từ tôm, chiếm 39%. Các sản phẩm OCOP được chế biến từ tôm trong tỉnh như: Tôm khô, bánh phồng tôm, chà bông tôm, chả tôm, tôm rang, mắm tôm chua, tôm khô ép… mang hương vị đặc trưng của tôm Cà Mau.

Sản phẩm tôm OCOP.

Sản phẩm tôm OCOP.

Các sản phẩm OCOP từ tôm khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về sản vật, vùng nguyên liệu tôm của tỉnh, được đánh giá là phù hợp với thị hiếu, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, thể hiện đậm nét đặc sắc, truyền thống của địa phương.

Với mong muốn nâng cao giá trị, phát triển đa dạng các sản phẩm từ nguồn tôm nguyên liệu dồi dào và chất lượng của vùng Năm Căn, tỉnh Cà Mau, chị Mai Thị Thùy Trang, Giám đốc Hợp tác xã Tài Thịnh Phát Farm, ngụ ấp Lung Đước, xã Tam Giang, huyện Năm Căn chế biến ra nhiều sản phẩm từ tôm và được chứng nhận 3 sao OCOP với các sản phẩm gồm chả tôm sinh thái, chà bông tôm, tôm khô sinh thái...

Hợp tác xã đang ngày càng hoàn thiện chất lượng sản phẩm, cũng như từng bước mở rộng thị trường, góp phần nâng tầm chất lượng con tôm. Chị Trang chia sẻ: “Nguồn tôm sinh thái ở đây có hương vị đặc trưng, vì vậy tôi mong muốn được quảng bá, giới thiệu hương vị này đến với đông đảo người tiêu dùng. Việc tham gia chương trình OCOP, giúp các sản phẩm từ tôm được khẳng định hơn về chất lượng. Ngoài ra, còn giúp tạo việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở nông thôn”. 

Sản phẩm bánh phồng tôm được chế biến từ tôm Cà Mau mang hương vị đặc trưng.

Sản phẩm bánh phồng tôm được chế biến từ tôm Cà Mau mang hương vị đặc trưng. 

Việc phát triển sản phẩm OCOP thời gian qua góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, đáp ứng các tiêu chuẩn và yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường và người tiêu dùng, góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị.

Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Hồng Hoa ở ấp Đồng Tâm B, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi được thành lập năm 2021, với 20 thành viên, là hợp tác xã chuyên nuôi tôm và cung cấp nguồn tôm nguyên liệu. Để nâng cao giá trị con tôm, Hợp tác xã đã mở rộng quy mô là chế biến tôm thành các sản phẩm thực phẩm và không ngừng cải tiến, hoàn thiện chất lượng.

Chị Đỗ Hồng Hoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Hồng Hoa cho biết: “Theo tôi, tôm Cà Mau có hương vị thơm, ngon đặc trưng nên có thể chế biến thành nhiều món ăn đa dạng. Hiện tại, cơ sở chúng tôi có 5 sản phẩm từ tôm như: Bánh phồng tôm, tôm khô, chả tôm, tôm ép, mắm tôm. Trong đó, sản phẩm bánh phồng tôm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Sản phẩm chế biến từ tôm của Hợp tác xã Hồng Hoa được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng và được tiêu thụ ở các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước, nhất là các tỉnh phía Bắc. Sắp tới, chúng tôi sẽ nâng chất sản phẩm đã được công nhận. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, phát triển thêm các sản phẩm từ tôm khác, tiến tới công nhận sản phẩm OCOP, góp phần làm phong phú thêm sản phẩm của tỉnh”. 

Tôm Cà Mau có thể chế biến thành nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.

Tôm Cà Mau có thể chế biến thành nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. 

Giám đốc Công ty TNHH MTV sản xuất và thương mại thủy hải sản Ngọc Giàu (ấp Tân Thành, xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi) cho biết: “Nhận thấy tiềm năng về nguồn tôm nguyên liệu ở địa phương rất phong phú, dồi dào nên tôi suy nghĩ cần phải phát triển nguồn nguyên liệu này thành các sản phẩm chế biến sẵn để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.

Vậy là các sản phẩm được chế biến từ tôm ra đời. Đến nay, có khoảng 10 sản phẩm chế biến từ tôm của công ty đã đến tay người tiêu dùng. Trong đó, có 2 sản phẩm đạt chuẩn chứng nhận OCOP 3 sao và tiến tới nâng lên 4 sao trong thời gian tới”.

Thời gian qua, các ngành, các cấp cùng với chủ thể trong tỉnh đang nỗ lực nâng hạng cho những sản phẩm OCOP, với những việc làm thiết thực như đầu tư trang thiết bị phục vụ quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng, cải tiến bao bì, mẫu mã, hướng tới xúc tiến, phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ…

Hiện nay, các sản phẩm OCOP của tỉnh được đưa vào các hệ thống phân phối trong và ngoài tỉnh như: liên kết, phân phối cho các Trung tâm Thương mại - siêu thị - cửa hàng; được kết nối trên sàn giao dịch thương mại điện tử như: madeincamau.com, Viettel (voso.vn), (Postmart) và các kênh khác Lazada mall, Amazon, Alibaba; Zalo, Facebook...

Một số chủ thể có sản xuất, gia công cho doanh nghiệp khác để xuất khẩu hoặc bán sản phẩm cho doanh nghiệp khác để xuất khẩu hoặc bán trực tiếp cho người tiêu dùng nước ngoài bằng các kênh: Lazada mall, Amazon, Alibaba, zalo, facebook...qua các thị trường: Mỹ, Úc, Canada, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan...

Điều đó cho thấy sản phẩm OCOP Cà Mau nói chung, sản phẩm OCOP từ tôm nói riêng đang có vị trí khá ổn định trên thị trường. Bên cạnh xuất khẩu tôm nguyên liệu như hiện nay, việc phát triển và không ngừng nâng chất các sản phẩm OCOP sẽ là bước tạo đà quan trọng để con tôm Cà Mau tiếp tục được nâng cao giá trị và tiến xa hơn trên thị trường trong nước cũng như thế giới.

Bảo Anh
Bình luận
vtcnews.vn