Hack, lừa đảo, lùa gà, rớt giá là các sự cố phổ biến trong thị trường tiền điện tử. Nhưng cú sập của token Luna lại là câu chuyện khác biệt.
Luna được coi là một thử nghiệm quan trọng - một nỗ lực tạo ra một stablecoin (đồng tiền ổn định) được gắn với USD mà không dựa vào chứng khoán tài chính truyền thống. Nhưng sự sụp đổ của dự án Terra vào tuần trước khiến ý tưởng này bị nghi ngờ.
Đầu tháng 4, với giá hơn 100 USD, đồng Luna - token của dự án Terra - lọt vào top 10 đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới. Nhưng tuần trước, giá trị của đồng tiền này lại giảm hàng triệu lần, xuống mức 0,0001 USD. Theo dữ liệu từ Coinmarketcap, hơn 600 tỷ USD vốn hóa đã bốc hơi khỏi thị trường tiền số sau sự cố Luna.
Đây là cú sốc với nhiều người từ các tỷ phú điều hành, các sàn giao dịch tiền số với những người chơi nhỏ lẻ bởi Luna có lộ trình phát triển rõ ràng, được các quỹ lớn đầu tư nên giành sự tín nhiệm cao.
Trên thực tế, cú sập của Luna từng được Kevin Zhou, nhà sáng lập quỹ đầu cơ Galois Capital cảnh báo từ nhiều tháng trước. Vào thời điểm Luna phát triển như vũ bão, Zhou dự đoán dự án này sẽ kết thúc một cách tồi tệ đồng thời cảnh báo nhà đầu tư nên thận trọng.
Không mấy người tin vào các cảnh báo của Zhou lúc bấy giờ và hiện đang phải hối hận. Giới chuyên gia cho rằng thảm họa Luna đang khiến niềm tin vào tiền điện tử của các nhà quản lý và người dùng bị xói mòn.
"Sự cố nghiêm trọng này có thể rút cạn niềm tin của các nhà đầu tư vào thị trường tiền điện tử trong ngắn hạn", cây viết Soumyarendra Barik của Indian Express nhận định.
Barik cũng lưu ý, sự sụp đổ của stablecoin này cũng khiến nhà quản lý và các chính quyền kêu gọi thực thi luật chặt chẽ hơn nhằm quản lý các dự án tiền số.
"Những loại tiền số như stablecoin đang phát triển nhanh chóng và có những rủi ro đối với sự ổn định tài chính", Gary Gensler, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) cho hay.
Theo Business Insider, các cơ quan quản lý đang "tận dụng" thời điểm hiện tại để nêu bật rủi ro đối với các tài sản điện tử. Nhiều chuyên gia cảnh báo về tác động lớn hơn có thể xảy ra đối với thị trường tài chính cũng như nhiều công ty lớn đang đầu tư vào Bitcoin hoặc các tài sản tiền điện tử khác.
Sự sụp đổ của Luna cũng đe dọa tới chuỗi huy động vốn mà các công ty khởi nghiệp tiền điện tử đang trông cậy. Dòng vốn này phụ thuộc rất nhiều vào việc nhà đầu tư có mạo hiểm chấp nhận rủi ro hay không.
Câu chuyện về Luna chắc chắn sẽ không bị lãng quên trong một thời gian dài. Những người chơi nhỏ dùng toàn bộ tiền tiết kiệm đầu tư đã bị vét sạch túi, trong khi nhiều người bay mất nửa tỷ USD và trở thành vô gia cư. Ngay cả các nhà đầu tư tiền điện tử không tiếp xúc trực tiếp với Luna cũng đang chịu lỗ lớn vì sự sụp đổ của đồng tiền này.
Zhou cho rằng vào thời điểm tiền điện tử đang phát triển mạnh như hiện nay, cú sập Luna đang trở thành lời cảnh tỉnh cho nhiều người. “Tốt hơn là nó xảy ra bây giờ hơn là sau này”, chuyên gia này nói.
Trong khi đó, các nhà đầu tư lo ngại nếu giá trị của một tài sản kỹ thuật số được cho là "ổn định" có thể bị xóa sổ dễ dàng như vậy trong vài ngày thì những đồng coin "ổn định" khác liệu có lâm vào tình cảnh tương tự?
Bình luận