• Zalo

BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ lại tiếp tục thu 'khủng', doanh thu gần 2 tỷ/ngày

Kinh tếThứ Bảy, 15/06/2019 15:17:00 +07:00Google News

Trong tháng 5/2019, doanh thu của trạm BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ lên đến hơn 57,9 tỷ, trung bình mỗi ngày trạm BOT thu gần 2 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia kinh tế, với con số này, trạm không cần phải đến 17 năm 3 tháng mới hoàn vốn như hợp đồng đã ký với Bộ GTVT trước đó.

Trong tháng 5/2019, tổng doanh thu tại các trạm BOT tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ gồm trạm Pháp Vân, Trạm Thường Tín, Trạm Vạn Điểm, trạm Cầu Giẽ có doanh thu trên 57,9 tỷ đồng, trung bình mỗi ngày trạm có tổng thu gần 2 tỷ đồng.

Đây là con số mà các trạm BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ thu được tương đương trong các tháng thời gian qua. Theo tính toán, với doanh thu này, trạm BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ chỉ cần 108 tháng (9 năm) là đủ tổng mức đầu tư 6.731 tỷ đồng cho dự án, chứ không cần đến 207 tháng (17 năm 3 tháng) như hợp đồng BOT với Bộ GTVT. Nếu tiếp tục tăng phí ở trạm BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ sẽ dễ gây phản ứng đối với người dân.

Ông Nguyễn Minh Hùng – Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc tăng giá phí ở các trạm BOT hiện nay và BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ. Ông nhấn mạnh, nếu trạm BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ cũng nằm trong diện tăng phí thì càng vô lý.

Theo ông Hùng, nhiều điều khoản được ký trong hợp đồng giữa các trạm BOT và Bộ GTVT đã bộc lộ sự vô lý. “Lưu lượng xe và doanh thu ở các trạm BOT có thể dự đoán được. Tuy nhiên hiện nay, trong hợp đồng lại chỉ có nội dung điều chỉnh tăng chứ không có giảm. Không thể có chuyện vô lý thế được, nếu đã có tăng thì phải có giảm để cân bằng việc thu phí”, chuyên gia vận tải phân tích.

Ông Hùng viện dẫn câu chuyện năm 2016, với lý do nhà đầu tư nắm quyền kiểm soát dự án không minh bạch con số doanh thu, lưu lượng xe qua trạm với các liên danh đầu tư dự án, Tổng Cty Xây dựng công trình giao thông 1 – Công ty CP (Cienco1) một trong 3 liên danh dự án đã có đơn gửi các cơ quan chức năng “tố” nhà đầu tư nắm quyền kiểm soát tại Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ nội dung này.

phap van- cau gie

 Trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Sau sự việc trên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã thành lập các tổ giám sát công tác tại trạm thu phí BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ. Kết quả, những ngày giám sát ngẫu nhiên, tổ công tác đã ghi nhận, mỗi ngày trạm thu được hơn 1,9 tỉ đồng. So với con số 1,2 dến 1,4 tỷ đồng/ngày Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ báo cáo với Bộ GTVT trước đó, con số này chênh khoảng 500 triệu đồng/ngày.

Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cho hay, kể cả những con số mà trạm BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ công bố hiện nay cũng không thực sự đáng tin cậy. Ông Nguyễn Minh Hùng kiến nghị các cơ quan chức năng cần có sự vào cuộc để thanh - kiểm tra.

Tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ vốn là dự án được Ban Quản lý dự 18 (PMU18), Bộ GTVT xây dựng bằng ngân sách nhà nước, đến đầu năm 2014 Bộ GTVT đã đồng ý cho liên danh nhà đầu tư là Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ thực hiện dự án nâng cấp đường Pháp Vân – Cầu Giẽ từ 2 lên 4 làn xe với tổng mức đầu tư 6.731 tỷ đồng.

Đến tháng 10/2015, mặc dù dự án thi chưa xong giai đoạn 1, nhưng Bộ GTVT đã chấp nhận cho nhà đầu tư thu phí phương tiện qua lại với mức 45.000 đồng/lượt xe dưới 9 chỗ ngồi. Với tổng mức đầu tư trên, nhà đầu tư được thu phí vòng 17 năm 3 tháng.

Dù là trạm BOT có lưu lượng xe hoạt động nhiều tuy nhiên đơn vị này lại luôn vướng vào những lùm xùm về việc không minh bạch trong hoạt động, doanh thu. Mới đây, BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ lại gây tranh cãi khi chậm thực hiện quy định về việc sao lưu dữ liệu hình ảnh hoạt động tại trạm.

Sự việc đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) kiểm tra và yêu cầu nếu từ thời điểm 10/6/2019 Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ không đáp ứng các quy định về việc sao lưu dữ liệu thì sẽ phải dừng hoạt động thu phí.

Tuy nhiên, trong ngày 10/6, ghi nhận của nhiều phóng viên cho thấy, trạm BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ vẫn tiến hành thu phí bình thường.

Trong buổi làm việc với lãnh đạo Tổng cục ĐBVN ngày 11/6/2017, đại diện nhà đầu tư ông Vũ Ngọc Oánh, Phó Tổng giám đốc Công ty CP BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ (MPC) lý giải: do phải mất thời gian ký hợp đồng Phụ lục và trang bị, nâng cấp máy móc nên từ sau ngày 10/6/2019, các trạm BOT trên tuyến đã thực hiện sao lưu dữ liệu theo quy định mới.

Đào Bích
Bình luận
vtcnews.vn