Theo Telegraph, một lời kêu gọi bỏ phiếu lại của người dân Anh về vấn đề đi hay ở lại EU đã nhận được 2,3 triệu chữ ký, đây là con số lớn nhất về một kiến nghị từng được gửi lên website của Quốc hội Anh.
Tác giả của bản kiến nghị, William Oliver Healey cho biết Chính phủ cần tổ chức trưng cầu lại vì số người lựa chọn rời Eu dưới 60% và tổng số phiếu bầu dưới 75% dân số Anh.
Tuy nhiên, Giáo sư Vernon Bogdanor, một trong những chuyên gia hàng đầu về Hiến pháp Anh cho rằng việc bầu cử lại 'rất khó' xảy ra. Ông nói: "Tôi cho rằng, EU không muốn thương lượng thêm nữa, lần bỏ phiếu này là lần cuối cùng".
Ngoài ra, vị giáo sư từng là thầy của Thủ tướng Cameron tại Đại học Oxford cho rằng chính phủ sẽ phải 'rất cẩn thận' về việc kêu gọi trưng cầu dân ý trong tương lai.
Theo ủy ban bầu cử của Anh, số phiếu rời EU là 17,4 triệu, chiếm 51,9% và số phiếu ở lại là 16,1 triệu, chiếm 48,1%, lượng cử tri đi bầu là 72,2%. Thế nhưng, chỉ sau 24h, hàng triệu người đã đồng ý ký vào bản kiến nghị Chính phủ tổ chức trưng cầu lại.
Con số này đã vượt qua rất nhiều so với mốc 100.000 người đồng ý với một kiến nghị thì sẽ được đem ra xem xét tại Quốc hội.
Hối hận
Trong số những người bỏ phiếu Anh rời EU có không ít người không biết về ý nghĩa và hệ quả hành động của mình, thậm chí có người còn cho rằng lá phiếu của mình không ảnh hưởng đến đại cục.
Theo Google, vài giờ sau khi kết quả được công bố, người dân Anh mới vào trang tìm kiếm lớn nhất thế giới để tìm hiểu về vấn đề này. Các câu hỏi liên quan đến tác động của cuộc trưng cầu được tìm kiếm tăng vọt, ví dụ như cụm từ: "Việc gì sẽ xảy ra nếu Anh rời EU".
Ngoài ra, nhiều người Anh cũng chưa hiểu EU là gì khi câu hỏi "Liên minh châu Âu là gì" cũng được tìm kiếm tăng vọt sau sự kiện Brexit.
Video điều gì sẽ xảy ra với Anh sau khi quyết định rời EU
Có người vô tư bỏ phiếu rời châu Âu với suy nghĩ lá phiếu của mình không có ý nghĩa gì, họ cảm thấy lo lắng khi nghĩ đến thời kỳ bất ổn sẽ diễn ra trong vài tháng tới và không ít người tỏ ra hối hận với lựa chọn của mình.
Để rời khỏi EU, nước Anh sẽ phải tham gia vào rất nhiều cuộc đàm phán, thương thuyết trong thời gian chưa xác định.
Anh và EU phải ngồi với nhau để soạn ra những thỏa thuận mới, trước mắt là thương mại, nếu Anh không muốn rời khỏi thị trường chung, họ vẫn phải đóng góp cho EU và thực hiện các quy định của liên minh.
Bên cạnh đó, việc tự do di chuyển giữa các công dân Anh và EU cũng được đưa lên 'bàn cân', giải quyết các vấn đề về người Anh đang ở EU và các công dân thuộc EU đang ở Anh.
Bình luận