• Zalo

Anh rời EU: Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng nặng từ... Trung Quốc

Kinh tếThứ Hai, 27/06/2016 11:04:00 +07:00Google News

Chuyên gia kinh tế nhận định khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU), Việt Nam chịu ảnh hưởng gián tiếp từ Trung Quốc lớn hơn từ Anh.

Ngày 24/6, thế giới ghi nhận cuộc bầu cử mang tính lịch sử. Kết quả cho thấy, đa số người dân Anh ủng hộ Brexit và quyết định Anh sẽ rời khỏi liên minh châu Âu (EU). Ngay lập tức, thị trường tài chính, chứng khoán toàn cầu chao đảo, thị trường vàng nhảy vọt. Điều đó cho thấy Brexit ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu là rất lớn.

Và câu hỏi đang được nhiều người đặt ra chính là mức độ tác động của Brexit tới kinh tế Việt Nam. Phóng viên báo điện tử VTC News đã phỏng vấn các chuyên gia kinh tế về những khó khăn mà Việt Nam có thể gặp phải ở thời kỳ “hậu” Brexit.

xuat-khau

Việt Nam chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc lớn hơn từ Anh 

TS Nguyễn Trí Hiếu: Ảnh hưởng từ Trung Quốc lớn hơn

Có thể thấy, Brexit đã ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế toàn cầu. Còn với Việt Nam, Brexit chắc chắc có tác động nhưng mức độ thì không quá lớn vì Anh không phải đối tác thương mại trực tiếp lớn của Việt Nam. Đa số hàng hóa Việt Nam vào Anh đều được xuất khẩu qua EU.

Hiện tại, EU đang là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam. Khi Anh rời EU, có thể cả EU và Anh đều yếu hơn. Khi cả 2 cùng yếu, tổng cầu sẽ giảm, từ đó khiến xuất khẩu từ Việt Nam sang EU có thể sẽ sụt giảm.

Bên cạnh đó, tỷ giá cũng bị ảnh hưởng. Khi đồng Euro và GBP giảm giá. Tỷ giá trung tâm sẽ bị ảnh hưởng vì tỷ giá trung tâm có sự góp mặt của 2 đồng tiền này. Đồng Việt Nam có khả năng sẽ bị điều chỉnh tăng. Nội tệ tăng giá thì xuất khẩu từ Việt Nam sang EU và Anh sẽ kém cạnh tranh hơn.

Thế nhưng, ảnh hưởng trực tiếp từ EU và Anh lại không lớn bằng ảnh hưởng gián tiếp từ Trung Quốc. Khi Anh rời EU, đồng Euro và đồng bảng Anh (GBP) giảm sâu. Cũng như Việt Nam, xuất khẩu của Trung Quốc bị tác động. Hàng hóa của Trung Quốc trở nên đắt đỏ và kém cạnh tranh hơn. Để hỗ trợ xuất khẩu, Trung Quốc đã phá giá đồng nhân dân tệ.

 
Để hỗ trợ xuất khẩu, Trung Quốc đã phá giá đồng nhân dân tệ. Động thái này vừa khiến hàng hóa Việt Nam khó cạnh tranh hơn với hàng Trung Quốc, vừa khiến tiền Việt Nam khó có thể giữ giá.

TS Nguyễn Trí Hiếu

Động thái này vừa khiến hàng hóa Việt Nam khó cạnh tranh hơn với hàng Trung Quốc, vừa khiến tiền Việt Nam khó có thể giữ giá.

Nói chung, Brexit sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tỷ giá và xuất khẩu sang EU, Anh. Thế nhưng, tác động gián tiếp từ Trung Quốc tới Việt Nam sẽ lớn hơn.

TS Nguyễn Minh Phong: Có ảnh hưởng nhưng không lớn

Ảnh hưởng của Brexit mang tính toàn cầu với mức độ rất lớn. Thế nhưng, tác động của Brexit tới Việt Nam dù có nhưng không lớn, không đáng lo ngại. Brexit tác động tới Việt Nam cả về mặt trực tiếp và gián tiếp.

Về mặt trực tiếp, Anh, thông qua EU là đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Xuất khẩu từ Việt Nam sang Anh (qua EU) chiếm tổng 15% xuất khẩu sang EU. Khi xảy ra Brexit, có 2 lý do khiến xuất khẩu sang EU và Anh kém đi.

Thứ nhất, khi Anh rời EU, cả EU và Anh đều yếu đi khiến tổng cầu giảm. Tổng cầu giảm nên nhu cầu nhập khẩu giảm khiến xuất khẩu từ Việt Nam sang 2 khu vực này sẽ giảm.

Thứ hai, Euro và GBP đang giảm. Điều đó có nghĩa đồng Việt Nam đang đắt hơn so với đồng tiền này. Như vậy, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU và Anh trở nên đắt hơn và lợi thế cạnh tranh kém hơn. Nhưng cũng cần phải biết khá nhiều mặt hàng xuất khẩu sang Anh là hàng đặc thù, ít có đối thủ. Vì vậy, có thể sản lượng xuất khẩu giảm ít nhưng doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vẫn thiệt hại vì thu nhập của họ giảm sút.

brexit5

 Ảnh hưởng của Brexit mang tính toàn cầu

Về mặt gián tiếp, Brexit ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán. Khi các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán có nhiều mặt hàng xuất khẩu sang EU và Anh gặp khó, giá cổ phiếu sẽ giảm. Ngoài ra, chứng khoán còn bị ảnh hưởng tâm lý chứng khoán toàn cầu.

Không chỉ có vậy, Brexit còn ảnh hưởng tới kiều hối. EU và Anh suy yếu nên Việt kiều ở 2 khu vực có thể gặp khó khăn hơn, thu nhập giảm sút nên lượng kiều hối từ 2 khu vực này gửi về Việt Nam nhiều khả năng sẽ giảm.

Còn về FDI, hiện tại chưa đánh giá được tác động. Anh đang đứng ở vị trí thứ 15 về FDI vào Việt Nam. Khi Anh suy yếu, FDI vào Việt Nam có thể sẽ giảm. Tuy nhiên, vẫn có khả năng vì khó khăn hơn khi đầu tư trong nước, nguồn vốn này có thể sẽ tới Việt Nam. Vì vậy, FDI là vấn đề tôi chưa rõ.

Quan trọng không kém là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU. Hiệp định này mới được ký cuối năm 2015 nhưng nhiều khả năng sẽ bị điều chỉnh lại.

Thận trọng với doanh nghiệp vay ngoại tệ mạnh

Brexit được đánh giá sẽ ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán Việt Nam. Ảnh hưởng đầu tiên của Brexit tới thị trường chứng khoán Việt Nam, theo công ty chứng khoán FPTS chính là động thái tăng mạnh giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, khối ngoại tập trung bán mạnh các cổ phiếu bluechip như HPG, VNM, PVD, PVS.

Còn xét về lâu dài, công ty chứng khoán BIDV đánh giá hoạt động thương mại và đầu tư song phương sẽ không bị ảnh hưởng quá lớn, tuy nhiên Brexit sẽ tác động gián tiếp ảnh hưởng đến diễn biến tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô ngắn hạn, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán khi dòng vốn đầu tư nước ngoài gián đoạn và đảo chiều.

BIDV khuyến cáo nhà đầu tư nên thận trọng với các mã cổ phiếu có vay nợ ngoại tệ mạnh như JPY, USD, Euro, thận trọng với các ngành có mức độ phụ thuộc vào thị trường châu Âu lớn (thủy sản, da giày, dệt may).

Bảo Linh
Bình luận
vtcnews.vn