• Zalo

Bộ Y tế đề nghị không quy định xét nghiệm sàng lọc học sinh trước khi đến trường

Covid-19Thứ Sáu, 18/02/2022 15:24:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị các địa phương không quy định học sinh phải xét nghiệm sàng lọc trước khi đến trường.

"Đề nghị lãnh đạo các địa phương, Sở Y tế cũng như Sở GD&ĐT không quy định học sinh phải xét nghiệm sàng lọc trước khi đến trường, lớp; chỉ xét nghiệm những trường hợp triệu chứng nghi nhiễm hoặc dấu hiệu dịch tễ tiếp xúc với F0", ông Sơn nói tại cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố nhằm đánh giá tình hình mở cửa trường học của các địa phương ngày 17/2.

Tại cuộc họp, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, một số cơ sở giáo dục còn lúng túng khi xử lý các trường hợp học sinh là F0, F1 (phát hiện tại gia đình hoặc tại trường học). Việc khoanh vùng xác định F1 chưa hợp lý dẫn đến nhiều học sinh phải nghỉ học trên lớp, chuyển sang học trực tuyến vì trong lớp có F0. Thậm chí có nơi cho cả lớp hoặc cả khối dừng học trực tiếp khi phát hiện F0 trong một lớp. Một số địa phương yêu cầu 100% học sinh phải xét nghiệm COVID-19 trước khi đến trường học trực tiếp, phần lớn kinh phí do phụ huynh chi trả, gây phản ứng không cần thiết.

Bộ Y tế đề nghị không quy định xét nghiệm sàng lọc học sinh trước khi đến trường - 1

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị các địa phương không quy định học sinh phải xét nghiệm sàng lọc trước khi đến trường. (Ảnh: Suckhoedoisong)

Trước vấn đề trên, ông Sơn khẳng định, Bộ Y tế đã có hướng dẫn về việc điều chỉnh định nghĩa ca bệnh COVID-19, quy định thời gian điều trị, cách ly, xét nghiệm đối với ca mắc, trường hợp F1… Các địa phương không nên đặt ra quy định học sinh phải xét nghiệm sàng lọc trước khi đến trường.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng thông tin thêm, ngành Y tế sẽ sớm có hướng dẫn về chăm sóc, thuốc điều trị cho học sinh mắc COVID-19 nhằm tạo sự an tâm cho phụ huynh và xã hội trong thời gian tới.

Chia sẻ về vấn đề cho học sinh học bán trú tại trường, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho rằng, không có sự khác biệt về nguy cơ lây nhiễm cho học sinh học một buổi, hai buổi hoặc ăn bán trú. Vì vậy, các trường học đủ điều kiện, bảo đảm an toàn phòng chống dịch có thể tổ chức học bán trú cho học sinh để tạo thuận tiện, giảm phiền hà cho phụ huynh và gia đình.

Học sinh là F1 ở nhà không quá 7 ngày

Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) mới đây ra hướng dẫn về các biện pháp đảm bảo an toàn phòng dịch COVID-19 tại các cơ sở giáo dục và cách xử trí khi tổ chức dạy và học trực tiếp. Theo đó, nếu phát hiện học sinh mắc COVID-19, thầy cô cần chuyển xuống phòng cách ly và thông báo ngay cho trạm y tế cấp xã/phường, hoặc cơ sở y tế đã được giao nhiệm vụ phân công hỗ trợ trường học trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 để cùng xử lý.

Đối với lớp có học sinh F0, thầy cô cho các em ngồi yên tại chỗ, tổ chức điều tra xác định các trường hợp F1 theo hướng dẫn của ngành y tế. Tiếp đó, nhà trường tổ chức test nhanh mẫu gộp cho toàn bộ học sinh của lớp, sau đó cho các em di chuyển sang lớp học dự phòng và khử khuẩn toàn bộ lớp học.

Bộ Y tế đề nghị không quy định xét nghiệm sàng lọc học sinh trước khi đến trường - 2

Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học. (Ảnh: QĐND)

Hướng dẫn cũng nêu rõ, những học sinh không phải là F1 khi có kết quả xét nghiệm âm tính sẽ được đi học bình thường, còn ai là F1 thầy cô cho các em ở nhà để theo dõi sức khỏe và xét nghiệm theo quy định.

Về thời gian theo dõi sức khỏe tại nhà, theo Bộ Y tế, nếu học sinh là F1 đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19, thì ở nhà không quá 7 ngày, xét nghiệm vào ngày thứ 7, nếu kết quả âm tính thì được đi học trở lại. Còn học sinh là F1 chưa được tiêm vaccine, cũng được cho nghỉ tại nhà nhưng theo dõi chặt các biểu hiện, xét nghiệm theo quy định. Trường hợp này nghỉ học không quá 14 ngày.

Đặc biệt, Bộ Y tế lưu ý, nếu không có sự giao lưu, tiếp xúc giữa F0 với học sinh lớp khác thì các lớp này vẫn đi học bình thường.

Cục Quản lý Môi trường y tế khuyến cáo, các phụ huynh khi phát hiện con có triệu chứng nghi ngờ như sốt, ho, khó thở… thì cần cho trẻ nghỉ tại nhà và báo ngay cho nhà trường, cơ quan y tế để có biện pháp xử lý thích hợp.

Nếu các cơ sở giáo dục phát hiện trường hợp học sinh, giáo viên sốt, ho, khó thở, nghi COVID-19 cần đưa đến phòng y tế ngay để kiểm tra, theo dõi, cách ly, cung cấp khẩu trang, hướng dẫn đeo đúng cách cho đối tượng này.

Phạm Quý
Bình luận
vtcnews.vn