• Zalo

Bọ xít - món ‘đặc sản’ của một ngôi làng ở thủ đô

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 09/05/2014 03:44:00 +07:00Google News

Vào mùa cây vải, cây nhãn trổ hoa, cây lúa trên ruộng đã bám rễ vào đất, nương ngô trên rẫy đã được tra hạt, người dân ở Vân Hòa lại rủ nhau đi bắt bọ xít.

Với người miền núi nói chung và người dân Mường Cháu nói riêng, bọ xít luôn là món ăn hấp dẫn, tốt cho sức khỏe. Nhưng thực sự món ăn này có tốt đến vậy hay tiềm ẩn trong đó là những nguy cơ độc hại khó lường.


“Đặc sản” xứ Mường

Nhắc đến bọ xít, chắc hẳn nhiều người sẽ phải nhăn mũi khi liên tưởng đến mùi hôi đặc trưng của loại côn trùng này. Song trong thực tế với nhiều người, nó đã trở thành món “đặc sản”.

Ở Mường Cháu, bất kỳ loại côn trùng gì cũng có thể làm thành món ăn độc đáo, đặc biệt, hấp dẫn. Từ châu chấu, cào cào đến ve hay dế mèn, bọ hung… đều ăn được dưới bàn tay chế biến tài tình của những người dân nơi đây, được truyền lại qua các thế hệ.

Vào mùa cây vải, cây nhãn trổ hoa, cây lúa trên ruộng đã bám rễ vào đất, nương ngô trên rẫy đã được tra hạt, người Mường ở Mường Cháu, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, Hà Nội lại rủ nhau đi bắt bọ xít.

Dụng cụ để bắt bọ xít của người dân nơi đây là những chiếc sào bằng nứa, một đầu chẻ nan đan thành rọ, đi chọc bọ xít. Có người thì buộc túi nilon, tải nhỏ vào một cây sào dài. Người dân cùng nhau đi vào những cánh rừng rậm rạp, nơi có những cây nhãn, cây vải đang ra hoa để bắt bọ xít. Việc làm này là vừa diệt côn trùng bảo vệ mùa màng, cây trồng vừa để chế biến thành một món ăn đặc sản, ngon lạ.

Bọ xít được bắt về, vặt cánh và chân bỏ đi, ngâm vào nước muối, bị kích thích chúng phun hết tuyến hôi ra khỏi cơ thể, khi chiên thì cho nước măng chua và phải đun to lửa, đảo đều tay mới giòn và có màu vàng. Trước khi bày ra đĩa, bỏ thêm lá chanh thái nhỏ và không cần cho thêm bất cứ loại gia vị nào vì bản thân con bọ xít đã mang trong mình những vị mặn, cay, ngọt.

Bọ xít là đặc sản ở Mường Cháu. Ảnh: Dương  Phạm

Người dân nơi đây kể rằng: “Từ xa xưa, bọ xít đã thành món ăn quen thuộc trong mỗi bữa ăn không chỉ của người dân Mường Cháu mà còn ở nhiều nơi khác nữa, cũng như người dưới xuôi ăn con châu chấu, cào cào vậy. Bọ xít ăn ngon lắm, ai nhìn thấy chúng lần đầu cũng thấy sợ vì mùi hôi, nhưng khi đã chế biến thành món ăn rồi thì ăn một lại muốn ăn hai.

Bọ xít là thực phẩm của người nghèo miền núi chúng tôi, chúng sống nhờ vào cây, hút nhị hoa của cây nên rất giàu chất dinh dưỡng. Mường Cháu nghèo lắm, trước đây nhà nào, nhà ấy gạo chẳng đủ ăn, chỉ mong sao không bị đói đã là tốt rồi nói gì đến ăn ngon. Những ngày nông nhàn, bà con thường rủ nhau vào rừng nhãn, rừng vải bắt côn trùng về ăn cho trôi miếng cơm. Chúng tôi đâu có nghĩ một ngày món ăn của người Mường Cháu lại trở thành đặc sản”.

Kể từ khi những dự án du lịch được khai thác, khách tham quan các nơi đổ về đây, họ đòi hỏi những món ăn “độc và dị” được chế biến từ côn trùng. Các nhà hàng, quán ăn chuyên về đặc sản côn trùng mọc lên nhiều và thu mua tất cả những loại côn trùng có thể ăn được về phục vụ khách du lịch. Từ đó, người dân đi bắt bọ xít về bán, kiếm thêm tiền để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Ngày nào nhiều nhất thì mỗi người trung bình bắt được 5 - 7 lạng, bán được khoảng gần 400 nghìn đồng. Trong khi đó, nhà hàng bán ra khoảng 200 nghìn/đĩa mà chỉ lèo tèo vài con.

Anh Phùng Văn Đệ, chủ một quán ăn chuyên về đặc sản bọ xít chiên giòn kể: “2 năm nay khách du lịch đến Khoang Xanh, vào quán của em thường gọi món bọ xít chiên, chứ vài năm trước có ai dám ăn bọ xít đâu. Trước khi mở quán này, em cùng mấy anh em trong làng đi bắt bọ về ăn, có ai nghĩ bây giờ nó lại trở thành “đặc sản”.
Từ ngày bọ xít trở thành món ăn “đặc sản”, cửa hàng em rất đông khách. Em nghe du khách nói, ăn côn trùng nói chung và bọ xít nói riêng rất bổ, có lợi cho sức khỏe. Bọ xít có thể chữa bệnh dạ dày và chảy máu dạ dày, đồng thời chữa được viêm họng và thúc đẩy tiêu hóa rất công hiệu”.

Anh Nguyễn Văn Tam, ở thôn Mường Cháu cho rằng: “Bọ xít hút nhị hoa nên trong cơ thể chứa nhiều chất có tác dụng cường dương, tốt cho sinh lý đàn ông. Chúng ta có thể chế biến chúng thành những món nhậu hoặc đem ngâm rượu, uống rất tốt”.

Nguy cơ khó lường

Riêng vấn đề tâm lý đã là trở ngại để thực khách tiếp cận với món ăn côn trùng, chưa kể đến việc nhiều người băn khoăn không biết nó có độc hại gì hay không?.

Trên thực tế, chưa có một công trình nghiên cứu đúng nghĩa nào chứng tỏ côn trùng nói chung và bọ xít nói riêng là món ăn bổ dưỡng, tất cả đều từ kinh nghiệm dân gian truyền lại.

Trao đổi với PV, một cán bộ xã Vân Hòa cho biết: “Mường Cháu là thôn nghèo của xã Vân Hòa, với dân số khoảng 1.460 người, chủ yếu là người dân tộc Mường. Năm 2013, thu nhập bình quân chỉ đạt 16 triệu đồng/người. Người dân trong thôn chủ yếu làm nông nghiệp, cũng có ít người sau khi xong việc đồng áng thì vào những khu du lịch làm thuê theo thời vụ nên cuộc sống bà con còn nhiều khó khăn.

Người dân từ xưa đến nay vẫn thường đi bắt bọ xít về ăn, gần đây người dân mới mang bán cho những nhà hàng gần khu du lịch Khoang Xanh. Tôi không hiểu món ăn này bổ béo đến mức nào nhưng theo tôi thì chưa đến mức độ được gọi là “đặc sản”. Nhiều khi người ta cứ nói quá sự thật vì mục đích trục lợi nào đó.

Gần đây, có vài nhà hàng mới mở, quảng cáo “đặc sản” nọ, “đặc sản” kia sau đó treo biển thu mua tất cả những loại côn trùng với giá cao. Người dân không hiểu thực hư thế nào, hám lợi một chút nên lơ là ruộng đồng, nương rẫy, trẻ con nghỉ học để theo bố mẹ đi bắt bọ xít. Nhiều đứa trẻ có chút tiền nên dễ dính vào những tệ nạn xã hội... Nhiều đứa thì bị dính chất độc của bọ xít vào mắt, không được cứu chữa kịp thời dẫn đến mù loà.

Hơn nữa, bọ xít hầu hết rất hôi, rất nhiều ký sinh trùng bám vào cơ thể dù đã qua chế biến. Để tránh những hậu quả khôn lường có thể xảy ra, tốt nhất là không nên ăn loại côn trùng này vì cơ thể con người rất nhạy cảm với các loại virus. Tùy vào cơ địa, người này ăn thì không sao nhưng người khác ăn thì bị ngộ độc, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng có thể ngay sau khi ăn hoặc có tác hại về sau”.

“Cách đây vài tháng, có hai cháu bé sau khi ăn bọ xít đã bị ngộ độc, gia đình phải đưa xuống BV Bạch Mai cấp cứu, cũng may được cứu chữa kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng”, vị cán bộ xã Vân Hòa cho biết thêm.
 PGS-TS. Nguyễn Thị Thu Cúc, nguyên giảng viên khoa Nông nghiệp và ứng dụng, ĐH Cần Thơ khuyến cáo: “Nhiều loài côn trùng là tác nhân truyền bệnh cho con người, người ăn không để ý đến nguy cơ gây hại cho sức khỏe, mà chỉ ăn theo sở thích. Vì vậy, nếu muốn sử dụng côn trùng làm thức ăn thì chúng ta nên hết sức thận trọng trong khâu chế biến để tránh bị ngộ độc do không loại bỏ hết độc chất”.


TheoKhánh Phong(PLXH)
Bình luận
vtcnews.vn