Theo Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire, Washington bán khí đốt cho các nước Liên minh châu Âu (EU) với giá gấp bốn lần so với giá bán tại Mỹ.
Ông Maire cũng cảnh báo về viễn cảnh Mỹ thống trị thị trường năng lượng toàn cầu trong khi EU phải gánh chịu hậu quả của cuộc xung đột ở Ukraine.
“Chúng ta cần xây dựng mối quan hệ kinh tế cân bằng hơn trong lĩnh vực năng lượng giữa các nhà cung cấp của Mỹ và châu Âu”, Bộ trưởng Tài chính Pháp nói.
Trước khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của EU. Nước này từng cung cấp tới 45% nhu cầu khí đốt cho EU. Tuy nhiên, nguồn cung khí đốt của Nga cho khu vực này đã giảm đáng kể sau khi phương Tây đưa ra hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Moskva.
Để đối phó với nguy cơ khủng hoảng năng lượng toàn cầu, các nước EU đã gấp rút lấp đầy các cơ sở dự trữ nhiên liệu. Theo dữ liệu của Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu (GIE), dự trữ khí đốt ở EU đã được lấp đầy lên đến gần 91% tính đến ngày 11/10. Bloomberg cho hay, phần lớn năng lượng dự trữ là khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).
EU đang xem xét đặt ra giới hạn giá khí đốt tự nhiên đối với tất cả các nhà cung cấp, song vấp phải sự phản đối từ một số nước trong liên minh. Cụ thể, tại Hội nghị thượng đỉnh không chính thức của EU tại Cộng hòa Séc ngày 7/10, lãnh đạo 27 quốc gia thành viên trong khối đã không thể thống nhất phương án áp giá trần đối với khí đốt của Nga.
Đức, Đan Mạch và Hà Lan phản đối việc áp giá trần, vì lo ngại biện pháp này sẽ khiến việc mua khí đốt khó khăn hơn và làm suy yếu nỗ lực khuyến khích tiết kiệm năng lượng.
Na Uy, một trong những nhà cung cấp khí đốt lớn của EU, cảnh báo rằng quyết định này có thể khiến các nhà cung cấp tìm kiếm thị trường mới và ảnh hưởng xấu tới tình hình năng lượng châu Âu.
Bình luận