Bộ trưởng GD&ĐT đặt câu hỏi trên tại buổi làm việc giữa Đoàn giám sát của Quốc hội với UBND quận Đống Đa (Hà Nội) mới đây.
Lãnh đạo các trường đều khẳng định: “Không có bất kỳ sự áp đặt nào trong lựa chọn sách giáo khoa. Quá trình lựa chọn minh bạch, công khai và kết quả chọn sách giáo khoa đúng như ý kiến của giáo viên, nhà trường”.
Làm rõ hơn, bà Trịnh Đan Ly, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Đống Đa cho biết, đội ngũ giáo viên trên địa bàn hầu như được đảm bảo, nhưng vẫn khó khăn cục bộ ở một số phân môn. Thời gian qua, các trường chủ động ký hợp đồng, đảm bảo đầy đủ số lượng giáo viên để thực hiện chương trình.
Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn ở cấp Tiểu học 94,5%, cấp THCS 97%. Việc đào tạo, bồi dưỡng nâng chuẩn đội ngũ giáo viên được các nhà trường tích cực chủ động thực hiện. Quận cũng xây dựng đề án đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để đáp ứng yêu cầu đổi mới về lâu dài.
Thừa nhận giảm sĩ số học sinh/lớp là “bài toán khó giải”, Trưởng phòng GD&ĐT quận Đống Đa cho rằng, dù quận có giải pháp nhưng vẫn cần cơ chế đặc thù để thực hiện.
Ngoài việc lựa chọn sách giáo khoa, các đại biểu Quốc hội cũng hỏi giáo viên so sánh chương trình giáo dục phổ thông 2018 với chương trình năm 2006.
Cô giáo Hoàng Thị Đào, Trường THCS Cát Linh nói: “Chương trình 2018 đổi mới hơn rất nhiều chương trình 2006. Học sinh học chương trình này tích cực, hứng thú hơn nhiều”. Cái hay nhất của chương trình 2018 theo cô Đào là kế hoạch giáo dục theo tính mở, giáo viên, nhà trường có sự chủ động rất cao và tạo thuận lợi nhất cho giáo viên.
Khẳng định quan điểm “không thể bàn lùi” trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ trưởng GD&ĐT nhấn mạnh, triển khai chương trình mới là thực hiện nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Trong quá trình thực hiện phải kịp thời nhận diện các vấn đề, nhất là triển khai trong tình hình mỗi địa phương một điều kiện, làm sao để vừa tạo tiền đề cho nhóm có điều kiện phát triển, chú ý được số đông và hỗ được cho nhóm khó khăn.
Bình luận