Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận về dự án Luật Giá (sửa đổi), trong đó có việc giá sách giáo khoa sẽ giao cho Bộ GD&ĐT định giá tối đa, các nhà xuất bản quyết định giá cụ thể.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cho rằng, để các bộ sách giáo khoa đóng góp cho xã hội hóa giáo dục tốt hơn, cần đảm bảo 3 điều kiện.
Thứ nhất, kiên định chủ trương xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa.
Thứ hai, xem xét lại việc giao cho Ủy ban nhân dân các tỉnh quyết định chọn sách theo quy định Luật Giáo dục. Theo dõi việc chọn sách giáo khoa ở một số địa phương thời gian qua, bà Thúy thấy nhiều nơi xảy ra kẽ hở, dễ bị lợi dụng rất dễ khiến thị trường sách có nguy cơ quay trở lại độc quyền "một mình một chợ".
Thứ ba, cần nghiên cứu kỹ quy định Nhà nước định giá sách giáo khoa để có giải pháp hài hòa, phù hợp, không ảnh hưởng việc xã hội hóa, chống độc quyền trong lĩnh vực này.
Khi nói đến việc Nhà nước định giá sách giáo khoa, sẽ nhận được sự ủng hộ cao từ phía người dân, nhưng chưa chắc giá sách đã giảm nhiều. Bởi, dẫu có định giá vẫn phải dựa trên các yếu tố hình thành giá (chất liệu giấy, công biên soạn, in ấn...). Mặt khác, tính toán đưa sách giáo khoa vào mặt hàng được Nhà nước định giá đang vướng một số vấn đề mang tính nguyên tắc.
Theo đó, quy định tại khoản 1, Điều 19 của Luật Giá, Nhà nước chỉ định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền sản xuất kinh doanh, tài nguyên quan trọng..., trong khi sách giáo khoa không thuộc các mặt hàng trên. Bởi nhiều năm qua, khi thực hiện Nghị quyết 88, các doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân cùng tham gia biên soạn, xuất bản sách giáo khoa. Do vậy, để hài hòa các yêu cầu, bà Nguyễn Thị Kim Thuý đề xuất hai phương án điều chỉnh việc định giá đối với sách giáo khoa.
Phương án thứ nhất, chỉ định giá với sách giáo khoa do doanh nghiệp của Nhà nước sản xuất. Bởi vì theo lẽ thông thường, người ta chỉ có thể định giá tài sản thuộc sở hữu của mình, hoặc mặt hàng do mình sản xuất ra.
"Quy định như vậy cũng không lo sách giáo khoa của doanh nghiệp tư nhân có giá cao hơn. Vì một mặt sách giáo khoa của các doanh nghiệp này vẫn thuộc diện kê khai giá. Mặt khác, các doanh nghiệp này cũng phải tham chiếu giá sách giáo khoa của doanh nghiệp Nhà nước để có tính cạnh tranh, nếu bán giá quá cao thì không có người mua, buộc phải bán thấp hơn hoặc bằng giá", bà Thuý phân tích.
Phương án thứ hai, luật chỉ quy định các mặt hàng được định giá, trong đó có sách giáo khoa; rồi giao Chính phủ quy định khung giá phù hợp từng thời kỳ, trong đó quy định giá tối đa để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, quy định giá tối thiểu để bảo đảm tính cạnh tranh lành mạnh. Quy định này sẽ nhất quán với Điều 11 của Luật Giá hiện hành, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đồng tình với quy định đưa sách giáo khoa là loại hàng hóa đặc biệt được thẩm định giá và cần có sự trợ giá sách giáo khoa cho học sinh ở các vùng khó khăn càng sớm càng tốt.
"Sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu, phục vụ cho 19 triệu học sinh cả nước, trong đó rất nhiều em vùng sâu vùng xa, khó khăn. Nếu giá sách quá cao sẽ ảnh hưởng việc tới trường của đối tượng học sinh yếu thế này. Do vậy, Luật Giá cần được sửa đổi sao cho phục vụ nhân dân được tốt nhất, đặc biệt là có sự hỗ trợ đối với gia đình có con đi học", ông nói.
Đồng quan điểm, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Ngọc Thưởng cho biết, theo Luật Giá hiện nay, sách giáo khoa là mặt hàng kê khai giá. Doanh nghiệp, các nhà xuất bản kê khai giá, Bộ Tài chính thẩm định, Bộ GD&ĐT đóng vai trò tham mưu. Qua các lần kê khai giá của các nhà xuất bản, các bộ sách đều giảm từ 3 - 9% so với ban đầu.
Bộ GD&ĐT tiếp tục tham mưu cho Nhà nước căn cứ quy định tiêu chuẩn định mức, định giá trần, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa các nhà xuất bản mục tiêu cao nhất là hướng đến học sinh.
"Các nhà xuất bản không lấy mục tiêu lợi nhuận nhưng chúng ta vẫn tạo điều kiện nhà xuất bản tham gia, bảo đảm tính cạnh tranh để hạ giá thành sách và bảo đảm chất lượng", Thứ trưởng nói và nhấn mạnh, Nhà nước cần định giá sách giáo khoa nhưng không làm mất đi động lực của các nhà xuất bản trong biên soạn, phát hành.
Bình luận