Đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) nêu tình trạng người dân căng băng rôn ở các dự án nhà ở vì chưa nhận được sổ hồng, sổ đỏ, giấy chứng nhận nhà ở, đất ở. Nguyên nhân phát sinh do chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính và thủ tục về đầu tư xây dựng.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết việc quản lý vận hành chung cư được quy định tương đối đầy đủ, từng bước đi vào nề nếp, khắc phục cơ bản các tồn tại nhưng vẫn còn hiện tượng như phản ánh do quy định pháp luật chưa đảm bảo.
Qua thanh tra giải quyết khiếu nại, Bộ Xây dựng nhận thấy 5 nhóm vấn đề liên quan tranh chấp nhà chung cư bao gồm: Chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư, thành lập ban quản trị; Quy chế thu chi tài chính nhà chung cư chưa rõ ràng; Việc bàn giao, quản lý sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư; phân biệt giữa phần quản lý chung riêng; Không thống nhất đơn vị vận hành quản lý chung cư và cuối cùng là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà.
"Thời gian tới, Bộ sẽ tiến hành rà soát, xây dựng các quy định về quản lý vận hành chung cư", ông Nghị nói.
Bộ trưởng cũng cho biết, thời gian qua, Bộ đã thanh tra xử lý hành vi vi phạm của chủ đầu tư, khắc phục hạn chế, góp phần giải quyết dứt điểm khiếu nại và tranh chấp. Tuy vậy, ông Nghị cho rằng vẫn có những hành vi vi phạm pháp luật nên phải quản lý vận hành đảm bảo đúng pháp luật và quyền lợi, xử lý nghiêm theo đúng quy định.
Cũng trong phiên chất vấn chiều nay (3/11), đại biểu Hà Ánh Phượng (Phú Thọ) đặt vấn đề tại sao xây dựng nhà từ 24 tầng trở lên phải do Bộ Xây dựng cấp phép, trong khi các nước khác cho phép những đơn vị tư nhân có đủ điều kiện và năng lực cấp phép. Đại biểu cũng nhấn mạnh hiện nay Bộ Xây dựng chỉ có một đơn vị thực hiện thủ tục này. Do đó, đại biểu mong Bộ trưởng Xây dựng cho biết thời gian tới có giải pháp cho phép các đơn vị ngoài Bộ Xây dựng có đủ điều kiện và năng lực thẩm định hay không.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định Bộ chỉ chịu trách nhiệm thẩm định các công trình dân dụng đặc biệt, còn lại đã phân cấp toàn diện cho cơ quan chuyên môn ở các địa phương và các bộ, ngành khác. Để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho quá trình triển khai các dự án, cũng như tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư công, trong dự thảo sửa đổi các luật đang xin ý kiến, Bộ Xây dựng đã đề xuất tiếp tục phân cấp cho cơ quan chuyên môn ở các địa phương thẩm định công trình nhóm B, cấp 2 trở xuống.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, nhóm công trình này hiện chiếm đến 61% tổng số hồ sơ đang được Bộ Xây dựng giải quyết. Do đó, khi quy định này được ban hành chính thức sẽ giảm đáng kể lượng hồ sơ thẩm định. Thời gian tới, Bộ trưởng khẳng định sẽ tiếp tục nghiên cứu để đơn giản hóa các thủ tục thẩm định liên quan, thiết kế kỹ thuật để đảm bảo cái cách hành chính, tăng cường quản lý nhà nước cũng như đảm bảo chất lượng an toàn công trình.
Bình luận