• Zalo

Bộ Nội vụ: An Giang, Hà Tĩnh, Trà Vinh chưa gửi đề án sáp nhập huyện, xã

Tin nóngThứ Tư, 25/09/2024 10:30:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Đến ngày 20/9, Bộ Nội vụ nhận được hồ sơ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 50 địa phương, còn 3 tỉnh An Giang, Hà Tĩnh, Trà Vinh chưa gửi đề án.

Nội dung này được Bộ Nội vụ đề cập tại báo cáo về kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính quý 3 năm 2024.

Về công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Bộ Nội vụ đang thẩm định hồ sơ đề án của 45 tỉnh, thành phố trên tổng số 50 hồ sơ đề án đã gửi về (tính đến 20/9).

"Trong đó, Bộ Nội vụ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính của 3 địa phương (Nam Định, Tuyên Quang, Sóc Trăng); trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 3 hồ sơ (Ủy ban Pháp luật đã thẩm tra hồ của tỉnh Phú Yên, Ninh Thuận và TP Cần Thơ); đang trình Chính phủ hồ sơ của 10 tỉnh. Đến nay còn 3 tỉnh (An Giang, Hà Tĩnh, Trà Vinh chưa gửi hồ sơ đề án về Bộ Nội vụ)", báo cáo nêu rõ.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. (Ảnh: quochoi.vn)

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. (Ảnh: quochoi.vn)

Về đề án "Mô hình tổ chức chính quyền đô thị trực thuộc cấp tỉnh" và Đề án "Đánh giá hoạt động của chính quyền cấp xã giai đoạn 2016-2021 và định hướng phát triển đến năm 2030", Bộ Nội vụ cho hay, đang trong quá trình nghiên cứu xây dựng phục vụ việc nghiên cứu và xây dựng hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).

Bộ Nội vụ cũng đang trong quá trình triển khai đề xuất Đề án Nghiên cứu, hoàn thiện tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với địa bàn đô thị, nông thôn, miền núi, hải đảo, đơn vị hành chính.

Liên quan đến đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, Bộ Nội vụ nêu rõ, đã tham mưu tổ chức Hội đồng thẩm định thông qua Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương (dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, tháng 10/2024).

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, đến nay, 100% Bộ, ngành, địa phương hoàn thành phê duyệt Đề án vị trí việc làm. Trên cơ sở đó, thực hiện hiệu quả công tác tuyển dụng, quản lý, sử dụng gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm. Đồng thời, đặt ra yêu cầu định kỳ rà soát, cập nhật và điều chỉnh vị trí việc làm, bảo đảm phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ được giao trong từng giai đoạn.

Bộ Nội vụ nhận định, về cơ bản công tác quản lý biên chế và tinh giản biên chế được tổ chức triển khai bám sát theo yêu cầu của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, thực hiện theo đúng chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế thống nhất của hệ thống chính trị; tinh giản biên chế vượt mục tiêu đề ra, tiết kiệm được ngân sách Nhà nước.

Một kết quả nổi bật khác trong quý 3 năm 2024 cũng được Bộ Nội vụ đề cập là xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Theo đó, Bộ Nội vụ cơ bản xây dựng xong Cơ sở dữ liệu thẻ cán bộ, công chức, viên chức kết nối Cổng thông tin điện tử của Bộ Nội vụ; ban hành Chương trình bồi dưỡng về chuyển đổi số và an toàn, an ninh mạng cho công chức, viên chức ngành Nội vụ; đẩy mạnh thông tin, truyền thông chính sách qua nền tảng số để thực hiện các tin, bài dạng Infographic, Podcast; xây dựng Báo cáo đề xuất phương án vận hành Trung tâm điều hành thông minh của Bộ (IOC); sửa đổi, bổ sung Quy chế bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng của Bộ Nội vụ.

"Đến thời điểm báo cáo, 100% bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành kết nối, đồng bộ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức. Tổng số dữ liệu được đồng bộ về đạt 2.386.486 hồ sơ (264.274 hồ sơ của bộ, ngành; 2.122.212 hồ sơ của địa phương)", báo cáo dẫn số liệu về công tác chuyển đổi số của Bộ Nội vụ.

Bộ Nội vụ đã phối hợp với Bộ Công an đối khớp được tổng cộng 1.093.773 hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong tổng số 1.093.830 hồ sơ đã được phê duyệt.

Bình luận
vtcnews.vn