Thời gian gần đây thấy con trai thường xuyên kêu đau đầu nhiều khi còn có dấu hiệu buồn nôn. Vợ chồng anh Tuấn rất lo lắng và sắp xếp thời gian cho con đi khám bệnh. Trong đầu anh Tuấn cũng đã nghĩ đến nhiều tình huống xấu xẩy ra.
Khi cầm tờ giấy xét nghiệm trên tay, bác sĩ khám cho con anh bảo “cháu nhà anh hoàn toàn khỏe mạnh. Não phát triển bình thường, không có dấu hiệu gì bất thường. Nhưng con anh bị stress nặng”.
Khi nghe đến đây anh Tuấn mới phản ứng: “Cháu nó mới 10 tuổi có làm gì đâu mà bị stress. Đến tôi là bố nó mà tôi còn không bị stress. Thật là vô lý".
Nhưng khi nghe bác sĩ giải thích anh Tuấn thấy con mình bị stress không vô lý tý nào. Nghĩ lại quãng thời gian qua, đúng là con anh chịu quá nhiều chuyện áp lực trong việc học hành. Hàng ngày cu cậu phải hoàn thành một đống bài tập khổng lồ được cô giáo giao về nhà. Mới lớp 4 nhưng nhìn số lượng bài tập của con mà anh Tuấn cũng thấy hoa mắt. Không chỉ hoàn thành bài tập trên lớp, con anh Tuấn còn phải căng mình đi học thêm các môn tiếng Anh, toán rồi học các môn nghệ thuật đàn piano, vẽ.
Một tuần có 7 ngày thì cả 7 ngày con quay cuồng với các môn học thêm. Rồi sống ở thành phố cũng chả có không gian cho con chạy nhảy nên thi thoảng gia đình anh Tuấn cũng chỉ cho con lên bờ hồ đi bộ, giải trí nhưng cũng được chốc nhát rồi lại về học hành.
Nghĩ kỹ anh Tuấn mới thấy ngày xưa thế hệ 7x như anh thật sung sướng bởi anh được sinh ra và lớn lên ở quê vùng quê thanh bình cách Hà Nội hơn 100km. Cả một bầu trời tuổi thơ giờ nhắc lại mấy ngày cũng không hết chuyện. Không có cảnh học thêm ngày nọ sang ngày kia. Không có chuyện áp lực bài vở. Cả một buổi chiều nghỉ học lũ bạn trong xóm rủ nhau nào đi bắt chuồn chuồn, châu chấu, đi bắt cua hay nhiều khi còn đi bới trộm củ khoai, củ sán về nướng dở sống dở chín nhưng vẫn thấy ngon lành. Ban ngày đùa vui ca hát, tối đến một đập ba xoa lên giường ngáy khò khò, miệng vẫn còn cười tủm tỉm.
Giờ bọn trẻ đâu có được những giây phút như thế. Không có không gian chơi, việc học đè trĩu hai vai. Chúng phải vừa đáp ứng yêu cầu của thầy cô giáo, vừa phải làm hài lòng bố mẹ. Chúng cũng phải sống trong vỏ bọc kỹ càng mà không dám nói thẳng, không được làm theo sở thích cá nhân. Nhiều bạn có thích học đàn Piano đâu nhưng bố mẹ bắt học. Nhiều con có học được các môn tự nhiên đâu nhưng không học cũng không xong với người lớn.
Những ý thích của chúng vừa được bày tỏ đã bị gạt phắt đi. Ngay việc nhỏ nhất là đi chân đất chạy ra sân cũng đã bị gọi giật lại nào là bẩn, nào là sợ bị vật nhọn cắm vào chân. Làm gì chúng được chân trần chạy nhẩy tung tăng khắp xóm, nào được tắm mưa la hét, nào được nghịch đất cát…tất cả những điều đó đều là xa lạ với con anh Tuấn nói riêng và trẻ em thành phố nói chung. Vậy tuổi thơ của chúng ở đâu?
Anh Tuấn đem vấn đề này trao đổi với một người bạn là chuyên gia tâm lý. Bạn anh phân tích rằng: Xã hội hiện đại nên trẻ em nhất là trẻ em thành phố hay mắc phải triệu chứng rối loạn âu lo do áp lực quá lớn trong việc học hành. Nhiều khi bố mẹ quá kỳ vọng vào con mong muốn con sẽ trở thành người thế này, thế kia đúng như mong muốn của mình mà không để ý đến cảm xúc, suy nghĩ của con.
Rồi trẻ em thành phố cũng được nuông chiều hơn, nhiều khi lớn rồi nhưng chuyện ăn uống vẫn phải nhắc nhở, đút mớm, nên khi bố mẹ cho vào khuôn khổ cũng sẽ gây ra triệu chứng rối loạn âu lo. Hoặc với lực học trung bình nhưng bố mẹ lại muốn con vào lớp chọn của trường. Để theo kịp các bạn, con của mình phải cố gắng gấp mấy lần bình thường để theo đuổi được các bạn cùng lớp. Vô hình chung bố mẹ tự tạo áp lực cho trẻ để trẻ vẫy vùng trong thành tích chỉ để đáp ứng nhu cầu của bố mẹ chứ không phải từ chúng.
Vậy đấy, xã hội hiện đại đừng nghĩ chỉ người lớn mới strees mà ngay cả trẻ nhỏ cũng rơi vào tình trạng này. Phải chăng ở trẻ nhỏ chưa thể gọi tên chuẩn xác nhưng chúng bị áp lực bởi học quá khả năng, học môn chúng không yêu thích, không được theo đổi ước mơ, tất cả đều là phục vụ mong muốn của người lớn…khiến chúng rơi vào trạng thái rối loạn âu lo là có thật.
Giờ anh Tuấn mới thấu, làm bố, mẹ thời hiện đại thật khó và làm con thời này cũng vất vả quá chừng.
Bình luận