Theo quyết định của Bộ trưởng, trong số 43 cuốn sách được phê duyệt, môn có nhiều đầu sách nhất là tiếng Anh với 10 cuốn; tiếp đến là toán, tin học và mỹ thuật có 4 cuốn; các môn còn lại đều có 3 cuốn.
Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, từ lớp 3, học sinh sẽ phải học ngoại ngữ, tin học bắt buộc, trong khi ở chương trình cũ, đây là các môn tự chọn.
Các sách giáo khoa trên thuộc 4 nhà xuất bản: Nhà xuất bản Giáo dục Việt nam (23 đầu sách); Nhà xuất bản Đại học Sư phạm (8 đầu sách); Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM (10 đầu sách), Nhà xuất bản Đại học Vinh (2 đầu sách).
Trong năm 2021, Bộ GD&ĐT phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 và tài liệu giáo dục địa phương lớp 1, lớp 2, lớp 6 và triển khai các bước thẩm định sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10; biên soạn sách giáo khoa tiếng dân tộc; hướng dẫn các địa phương chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch dạy học các môn học đối với lớp 1, lớp 2 và lớp 6 phù hợp với điều kiện thực tế trên cơ sở bảo đảm mục tiêu, nội dung đáp ứng yêu cầu cần đạt.
Năm 2022, Bộ chú trọng triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10; nâng cao chất lượng biên soạn, thẩm định và lựa chọn sách giáo khoa đối với lớp 4, lớp 8, lớp 11 cũng như sách giáo khoa tiếng dân tộc và tài liệu giáo dục địa phương.
Theo quy định, UBND các tỉnh, thành phố sẽ thực hiện việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng trong nhà trường trên địa bàn. Sau khi có kết quả chọn sách, các nhà xuất bản phối hợp với các địa phương để tiến hành tập huấn sử dụng sách giáo khoa, cung ứng sách kịp thời cho các nhà trường.
Bình luận