• Zalo

BN1465 tổn thương phổi, suy hô hấp nặng, xem xét can thiệp ECMO

Tin tứcThứ Sáu, 08/01/2021 11:41:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Nữ bệnh nhân tổn thương phổi hơn 75%, suy hô hấp nặng, được cho thở máy, nhưng tiên lượng vẫn rất nặng.

Ngày 8/1, ThS.BS Nguyễn Trung Cấp – Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Trưởng khoa Cấp cứu cho biết, BN1465 bị tổn thương phổi rộng, hơn 75%, kèm suy hô hấp nặng. Để điều trị, các bác sĩ cho thở máy, qua đó kiểm soát được hô hấp. Nhưng do tình trạng bệnh nhân mắc nhiều bệnh nền, nên vẫn trong tình trạng nặng.

“Chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng hệ thống ECMO (tim phổi nhân tạo), triển khai ngay khi tình trạng bệnh nhân có diễn biến xấu hơn”, BS Cấp nói.

Ngoài tổn thương phổi, bệnh nhân còn mắc hội chứng “cơn bão cytokine”. Đây là hội chứng rất nguy hiểm, gây đáp ứng quá mức hệ miễn dịch, khiến các tế bào và các phủ tạng bị tổn thương.

BN1465 đang điều trị tại phòng áp lực âm của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Bệnh viện cũng bố trí một kíp y bác sĩ trực, chia làm 3 vòng điều trị cho bệnh nhân. Vòng một gồm các bác sĩ, điều dưỡng trực tiếp thăm khám, chăm sóc bệnh nhân, thực hiện các thủ thuật kỹ thuật, và gửi các thông tin ra ngoài.

Vòng hai đóng vai trò như cơ quan “đầu não”, có nhiệm vụ phân tích thông tin, hội chẩn, đưa ra chỉ định điều trị và chăm sóc.

Vòng ngoài cùng không tiếp xúc với vòng 1, làm nhiệm vụ hậu cần. Các nhóm giao tiếp với nhau chủ yếu qua thiết bị thông minh.

“Tuỳ thuộc vào nhu cầu triển khai các kỹ thuật can thiệp trên bệnh nhân, bệnh viện sẽ cân nhắc điều động thêm y bác sĩ tăng cường”, BS Cấp nhấn mạnh.

BN1465 tổn thương phổi, suy hô hấp nặng, xem xét can thiệp ECMO - 1

Các chuyên gia hội chẩn về phương pháp điều trị các ca COVID-19 nặng tại Việt Nam.

Theo các chuyên gia, việc có thêm bệnh nhân COVID-19 diễn biến nặng được dự đoán từ trước. Bởi theo thống kê trên thế giới, cứ 100 bệnh nhân mắc COVID-19 thì có 20 người lâm tình trạng nặng, thường gặp ở nhóm người cao tuổi, mắc bệnh lý nền. Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương luôn sẵn sàng phương án để điều trị cho các trường hợp mắc bệnh nặng như BN1465.

Ngày 7/1, tại Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán và điều trị COVID-19 hội chẩn cho các bệnh nhân COVID-19 nặng. Hội đồng chuyên môn (Bộ Y tế) quyết định điều phối thuốc hiếm “remdesivir” từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam ra ngoài Bắc để điều trị cho BN1465. Tuy nhiên, đây chỉ là hỗ trợ thêm trong điều trị.

Theo BS Cấp, việc sử dụng thường xuyên thuốc này cho tất cả các bệnh nhân mắc COVID-19 gần như không khả thi vì hiệu quả chưa đi liền với chi phí. Thuốc remdesivir có giá lên tới vài nghìn USD/ liệu trình.

BN1465, nữ, 61 tuổi, quốc tịch Việt Nam, địa chỉ ở TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Bệnh nhân từ Mỹ nhập cảnh Sân bay Nội Bài ngày 21/12 trên chuyến bay VN415, được cách ly tại Hà Nội ngay sau khi nhập cảnh. Kết quả xét nghiệm lần 1 ngày 22/12 bệnh nhân âm tính, lấy mẫu lần 2 ngày 29/12. Kết quả xét nghiệm ngày 31/12 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội xác định bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.

Ngoài BN1465, cả nước còn một bệnh nhân mắc COVID-19 cũng trong tình trạng nặng. Đó là nam bệnh nhân 1405, 74 tuổi, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam.

Bệnh nhân có tiền sử mắc nhiều bệnh mãn tính như viêm gan B, tăng huyết áp, tiểu đường type 2, viêm phổi nặng, nhiễm amip đường ruột, biểu hiện xuất huyết tiêu hóa, suy tim, suy gan/ xơ gan tiến triển.

Hiện bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, nhưng bụng chướng nhẹ, tràn dịch màng phổi 2 bên, kèm theo tình trạng viêm phổi do SARS-CoV-2 bội nhiễm. Theo các chuyên gia, sau khi được điều trị tích cực, mặc dù bệnh nhân có những tiến triển tốt hơn, song tiên lượng còn nặng nên vẫn đang tiếp tục được theo dõi sát sao.

Video: Bộ Y tế công bố ca COVID-19 nhập cảnh trái phép ở Vĩnh Long

Phạm Quý
Chuyên đề:
Bình luận