Gần 10 năm sau chức vô địch AFF Cup 2018, bóng đá Việt Nam vẫn đang loay hoay trong lộ trình phát triển chuyên nghiệp. Có những điểm sáng đáng kể, điển hình trong năm 2016 với sự tiến bộ của mọi cấp độ đội tuyển. Dẫu vậy, nhìn trên góc độ bền vững, chuyên nghiệp, bóng đá Việt Nam vẫn còn nhiều mặt hạn chế.
Chia sẻ cùng VTC News, BLV Quang Huy đã có những đánh giá tổng quát về cả những mặt được/ chưa được về bóng đá Việt Nam ở thời điểm này.
V-League khiến nhiều cầu thủ "thui chột"
"Về cơ bản, bóng đá Việt Nam cũng có những bước tiến đáng ghi nhận, rõ ràng nhất là công tác đào tạo trẻ. Bên cạnh futsal, bóng đá nữ và đội tuyển quốc gia, cả ba đội bóng trẻ (U16, U19, U23) đều lọt vào vòng chung kết châu Á - kỳ tích chưa từng có. Chúng ta không còn "xây nhà từ nóc" như ngày xưa, khi các đội bóng đã chú trọng hơn đến bóng đá trẻ.
Tuy nhiên, cầu thủ trẻ của mình hay là thế, song khi đến tuổi trưởng thành lại bộc lộ nhiều thứ đáng lo ngại, mà sân chơi để rèn cầu thủ trong độ tuổi trưởng thành chính là V-League.
Với nền móng chắc chắn từ công tác đào tạo trẻ bây giờ, chỉ cần V-League ổn là đội tuyển quốc gia sẽ ổn. Còn nếu không, các đội tuyển của chúng ta sẽ tiếp tục bất ổn khi bước ra sân chơi quốc tế dù sở hữu không ít cầu thủ chất lượng. Tại sao đội tuyển đá mà khán giả xem cứ giật mình và lo lắng về những lỗi sơ đẳng mà cầu thủ có thể mắc phải như vậy? Không nói đâu xa, sự bất ổn của đội tuyển chính là ánh xạ từ V-League.
Đây không phải sân chơi trui rèn cầu thủ đúng nghĩa. V-League không có tính cạnh tranh, nhiều khi không phản ánh thực chất. V-League vẫn hiện lên trong mắt khán giả như một sân chơi xấu xí, tồn đọng nhiều vấn đề, khiến nhiều tài năng dần dần thui chột. Bước chân vào V-League, nhiều cầu thủ mất đi chí tiến thủ, các nhà tài trợ tâm huyết dần chán nản. Không dễ tìm được nhà tài trợ tâm huyết với V-League ở thời điểm này. Do đó, công tác quản lý và tổ chức giải mới là thứ cần lưu tâm số 1".
Bóng đá Việt Nam chưa thể đạt tầm chuyên nghiệp
"Chúng ta chưa thể nào đạt đến độ chuyên nghiệp được. Cầu thủ mình ngày xưa người ta hay gọi là "nghiệp dư trả lương cao", bây giờ không hẳn như vậy. Nên gọi V-League và nhiều đội bóng hiện tại là "bán chuyên". Nhiều đội chưa thể đạt chuẩn CLB chuyên nghiệp của FIFA. Quảng Nam FC vô địch V-League mà không được dự sân chơi châu Á là một ví dụ.
Các đội bóng đã có khoản thu nhất định từ bóng đá, không hoàn toàn lấy tiền nhà nước như ngày xưa, nhưng nhìn chung là vẫn phải sống dựa vào tiềm lực của các ông bầu. Nếu ông bầu gặp rủi ro, lập tức cả đội bóng bị ảnh hưởng theo. Do vậy, gọi bóng đá Việt Nam là bán chuyên là hợp lý nhất".
Các nhà tài trợ đóng vai trò rất quan trọng
"Các đội bóng chuyên nghiệp mới làm nên giải đấu chuyên nghiệp - đó là chuyện đương nhiên, nhưng để thực hiện ngay thì e rằng khó. Để các đội được chuyên nghiệp, vẫn phải có những nhà tài trợ lớn đứng sau giúp đỡ họ, nhưng ở nước mình kiếm được nhà tài trợ vừa đam mê, vừa có tiềm lực đâu phải chuyện dễ dàng?
Chúng ta phải "liệu cơm gắp mắm" và tối ưu hóa mọi nguồn lực. Phải có tiềm lực kinh tế rất mạnh, có những người giàu thực chất và bền vững, không phải kiểu dùng bóng đá để kích cầu cho mình. Ở phương Tây, các ông bầu không dùng bóng đá để làm kinh tế hay kích cầu bao giờ. Họ để tham gia vào bóng đá khi đã giàu bền vững, và dùng bóng đá có chăng là để cho mục đích chính trị, không phải kinh tế".
Video: U23 Việt Nam 1-2 U23 Hàn Quốc
Kết luận lại, BLV Quang Huy lý giải sự phát triển của bóng đá nước nhà khi trả lời câu hỏi: "Bóng đá Việt Nam không thể, hay không muốn phát triển?"
"Thực ra đó chỉ là câu hỏi khiêu khích, kích thích sự quan tâm của tất cả những ai tâm huyết với bóng đá Việt Nam. Nói chính xác nhất, bóng đá Việt Nam chưa phát triển đến tầm vóc tương xứng với kỳ vọng và tiềm lực. Bởi nói "không thể phát triển" là không đúng, chúng ta đâu có bất lực hoàn toàn? Nói "không chịu phát triển" cũng sai, vì chẳng ai muốn bóng đá nước nhà trì trệ mãi. Trì trệ là tự đẩy mình vào con đường diệt vong" - BLV Quang Huy kết luận.
Bình luận