Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp biến thể Mu vào danh sách “Biến thể cần quan tâm” (VOI) do những thay đổi về gen trong biến thể này có thể khiến nó dễ lây truyền hơn và khả năng kháng vaccine.
Dù Mu là biến thể cần quan tâm nhưng nó chưa được xem là “Biến thể đáng lo ngại” (VOC). Hiện Mu được theo dõi chặt chẽ để xem liệu nó có nên được chỉ định là VOC hay không. Bốn VOI khác đang được WHO theo dõi là eta, iota, kappa và lambda nhưng không biến thể nào trong số này được phân loại lại thành VOC.
Biến thể Mu đang lây lan ở đâu?
Biến thể Mu (hay còn được gọi là B1621) được phát hiện lần đầu tiên ở Colombia vào tháng 1/2021. Nó xuất hiện ở 40 quốc gia nhưng chỉ gây ra 0,1% các ca nhiễm trên toàn cầu. Con số đó có thể tăng lên nhanh chóng nếu nó có khả năng lây nhiễm cao hơn, tương tự như cách biến thể Delta trở nên phổ biến.
Mức độ nguy hiểm thế nào?
Các câu hỏi quan trọng được đặt ra là liệu Mu có khả năng lây truyền nhiều hơn so với biến thể Delta hiện đang chiếm ưu thế và có thể gây ra bệnh nặng hơn hay không.
Các nhà nghiên cứu cho biết Mu chứa một đột biến được gọi là P681H, lần đầu tiên được phát hiện trong biến thể alpha, khả năng gây ra sự lây truyền nhanh hơn. Tuy nhiên, nghiên cứu này vẫn chưa hoàn thành và được các nhà khoa học khác xem xét chính thức nên chưa thể kết luận về tác động của P681H đối với virus.
Biến thể Mu cũng mang các đột biến E484K và K417N, có thể trốn tránh các kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2 - điều này đã được chứng minh trước đó. Những đột biến này cũng có trong biến thể Beta. Do đó, biến thể Mu có thể hoạt động giống như Beta, khiến một số loại vaccine kém hiệu quả hơn.
Ngoài ra, Mu cũng chứa các đột biến khác bao gồm R346K và Y144T mà hậu quả hiện vẫn chưa rõ, cần phải được nghiên cứu thêm.
Một nghiên cứu từ phòng thí nghiệm ở Rome cho thấy vaccine Pfizer/BioNTech kém hiệu quả hơn đối với biến thể Mu so với các biến thể khác khi được thử nghiệm trong phòng thí nghiệm. Mặc dù vậy, nghiên cứu cho rằng khả năng bảo vệ chống lại Mu của vaccine vẫn mạnh mẽ.
Vào cuối tháng 7, truyền thông Florida báo cáo 10% các mẫu được giải trình tự gen tại Đại học Miami là Mu. Đầu tháng 8, tờ Reuters đưa tin 7 người được tiêm chủng đầy đủ tại một viện dưỡng lão ở Bỉ đã tử vong sau khi nhiễm Mu. Tuy nhiên, các nghiên cứu về biến thể này hiện vẫn chưa hoàn chỉnh nên chưa thể kết luận chắc chắn về việc liệu Mu có khả năng lây lan nhanh hay gây ra các triệu chứng nặng hơn hay không.
Đến nay, biến thể Delta vẫn chiếm ưu thế ở nhiều quốc gia, đặc biệt là ở những quốc gia chưa được chủng ngừa. Hơn nữa, cũng không có gì đáng nghi ngờ khi virus SARS-CoV-2 lưu hành càng lâu, thì khả năng xuất hiện các đột biến càng lớn. Cách chính để ngăn chặn các biến thể là tiêm chủng toàn cầu. Sự xuất hiện của Mu nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của mục tiêu đó.
Bình luận