Thời gian gần đây, dư luận "nóng" trước việc UBND thành phố Đà Nẵng đồng ý cho dự án Cocobay Đà Nẵng chuyển đổi hàng nghìn căn hộ từ condotel sang căn hộ chung cư. Không ít ý kiến, phân tích phản đối của giới chuyên gia cũng như giới đầu tư đã được đưa ra.
Theo ông Nguyễn Văn Đực – Phó Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản TP.HCM - việc chuyển đổi các căn hộ từ condotel sang chung cư sẽ làm sai quy hoạch ban đầu. Cụ thể, việc chuyển đổi này có lợi cho chủ đầu tư nhưng sẽ làm hỏng quy hoạch đô thị.
Theo ông Đực, nếu không chỉ Cocobay mà hàng trăm, hàng chục dự án condotel khác cũng chuyển đổi thành căn hộ chung cư để ở sẽ làm dân số tại khu vực ấy lên cao, không còn phù hợp để phát triển du lịch nữa.
Cũng theo đánh giá của ông Đực, việc cho phép Cocobay Đà Nẵng chuyển đổi từ condotel sang căn hộ chung cư là sai lầm của chính quyền Đà Nẵng. "Nếu chủ đầu tư các dự án khác hoặc các loại hình như officetel cũng xin chuyển đổi thì quy hoạch sẽ bị phá nát", ông Đực cảnh báo.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng cho rằng, quy hoạch sử dụng đất nằm trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung. Việc điều chỉnh quy hoạch theo yêu cầu của nhà đầu tư sẽ ảnh hưởng xấu đến cộng đồng.
Việc điều chỉnh giảm quy hoạch sử dụng đất du lịch, làm tăng đất ở, hình thành khu dân cư ngay tại khu vực nhiều tiềm năng phát triển du lịch sẽ tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững của địa phương. Đất du lịch mà bị "nhồi" vào đó một khu dân cư thì sẽ làm biến dạng và làm giảm đi giá trị, sự hấp dẫn đầu tư phát triển du lịch.
Theo HoREA, điều chỉnh quy hoạch từ condotel sang nhà chung cư, mà không có căn cứ khoa học và thực tiễn, là bóp méo quy hoạch, là tai họa về quy hoạch. Điều đó sẽ làm thu hẹp đáng kể nguồn lực đất đai phục vụ du lịch, tác động tiêu cực đến việc thực hiện chủ trương phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
“Không thể chỉ vì giải quyết khó khăn trước mắt của chủ đầu tư mà điều chỉnh quy hoạch”, HoREA bình phẩm.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Cục phó Cục Quản lý nhà và thị trườngbất động sản (Bộ Xây dựng) cũng cho hay, Bộ hiện cũng đang nhận được đề xuất điều chỉnh dự án condotel sang nhà ở của nhiều địa phương, số lượng căn hộ điều chỉnh lên tới vài nghìn căn. Nhưng condotel không phải là nhà ở, đã không phải là nhà ở thì đất xây dựng dự án condotel là đất thương mại dịch vụ, quản lý theo cơ chế đất thương mại dịch vụ. “Sắp tới quy định pháp luật sẽ làm rõ điều này”, ông Khởi cho hay.
Đứng ở góc độ luật pháp, luật sư Nguyễn Quang Ngọc, Giám đốc Công ty luật Quốc Tế Thiên Việt, phân tích, khi xin cấp dự án đầu tư thương mại của khu du lịch nghỉ dưỡng dạng condotel, cơ quan quản lý Nhà nước cấp cho một dự án đồng nghĩa với việc chỉ cấp một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất duy nhất. Việc chuyển đổi vì thế sẽ gặp nhiều khó khăn về mặt pháp lý.
"Các khó khăn này bao gồm hành lang pháp lý để sửa đổi, quy hoạch kiến trúc vùng và các phê chuẩn của của quan quản lý nhà nước có thẩm quyền", ông Ngọc nói.
Việc kinh doanh các dự án du lịch phải được tiến hành đồng bộ, bài bản khác biệt với việc kinh doanh các dự án cho thuê thông thường.
Do vậy, khi chuyển đổi thành căn hộ chung cư (nếu có thể) thì các căn hộ này có được cơ quan liên quan cho phép kinh doanh lưu trú hay không và lưu trú dưới dạng nào? Đó là chưa kể đến việc các chủ sở hữu có đồng nhất cùng đưa tài sản cho người khác quản lý đồng nhất hay không? Nếu không sẽ dẫn đến việc xin các giấy phép kinh doanh riêng lẻ từ các chủ sở hữu.
Đồng tình với những quan điểm trên, GS. Đặng Hùng Võ khẳng định, việc chuyển đổi căn hộ từ condotel sang chung cư để ở không phải giải pháp hay. Mấu chốt của vấn đề là phải tạo khung pháp lý để condotel được hoạt động theo đúng luật.
“Cần sớm sửa luật để có khung pháp lý cho condotel phát triển, nếu không sẽ xảy ra khủng hoảng tài chính và xảy ra hiệu ứng domino từ Đà Nẵng sang tất cả các khu vực khác”, ông Võ nhấn mạnh.
Bình luận