Tại cuộc họp giao ban trực tuyến ngày 15/12 của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM với các quân huyện và TP Thủ Đức, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên yêu cầu, trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thành phố cần tăng cường kiểm tra việc tuân thủ các quy định phòng chống dịch COVID-19 khi mở lại các hoạt động, không được lơ là chủ quan, cho mở ra nhưng kiểm soát không kỹ.
Khẳng định TP.HCM đang trong giai đoạn bình thường mới”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, thành phố cần chuẩn bị tinh thần sống chung với biến thể mới Omicron.
Hiện tình hình dịch COVID-19 trên thế giới diễn biến phức tạp; các nước đang nỗ lực ứng phó với biến thể Omicron. Tình hình dịch bệnh tại TP.HCM diễn biến tương tự các nước nhưng có tín hiệu đáng mừng là đã cơ bản kiềm chế được số ca mắc mới, số ca tử vong…
Dẫn lại dự báo của các chuyên gia Đại học Monash (Australia) về tình hình dịch COVID-19 tại TP.HCM rằng từ nay đến cuối tháng 3/2022, nhiều khả năng TP.HCM sẽ diễn ra ít nhất một làn sóng dịch mới, Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh: Dự báo trên chính là sự cảnh báo cần thiết để thành phố quyết tâm, chủ động và nỗ lực nhiều hơn trong công tác ứng phó.
Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM, để ứng phó với biến thể mới, TP.HCM phải ngăn ngừa một cách chủ động từ xa. Ngoài cửa khẩu hàng không, việc giám sát, kiểm soát dịch cần chủ động thực hiện trên cả đường bộ, đường thủy, tuyệt đối không để ca nhiễm lọt vào TP.HCM rồi mới ứng phó.
Về các giải pháp sắp tới, ông Nên yêu cầu tiếp tục bao phủ vaccine cho người dân, tiêm mũi tăng cường cho lực lượng tuyến đầu, “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, rà soát và thực hiện việc tiêm vét cho những người chưa tiêm đủ liều.
Bí thư Thành uỷ yêu cầu các địa phương rà soát, thống kê số người có nguy cơ cao (người lớn tuổi, có nhiều bệnh nền, chống chỉ định đối với tiêm vaccine…) trên địa bàn, tìm hiểu kỹ từng trường hợp để có biện pháp bảo vệ an toàn.
Ông đề nghị ngành Y tế TP.HCM củng cố bệnh viện dã chiến 3 tầng, hệ thống trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng…
Về nhân sự tham gia chống dịch, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên khẳng định, ngoài lực lượng y tế tư nhân, khoảng 15.000 sinh viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch sẵn sàng được bổ sung cho hệ thống trạm y tế cơ sở.
Ngoài ra, TP.HCM đã huy động được hơn 6.500 nhà thuốc tư nhân tham gia phòng chống dịch. Ông đề nghị Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM có chính sách cụ thể để đảm bảo quyền lợi cho các nhà thuốc và các y bác sỹ, điều dưỡng, nhân viên y tế tư nhân tham gia chống dịch.
“TP.HCM không thiếu thuốc điều trị COVID-19. Quan trọng là chúng ta phải quản lý chặt chẽ, có quy trình, có kiểm tra giám sát…”, ông Nên nhấn mạnh.
Bình luận