Chiều 14/12, TP.HCM tổ chức hội nghị gặp gỡ kiều bào và người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp ý kiến cho sự phát triển bền vững của TP.HCM với chủ đề: “TP.HCM trở lại bình thường mới hậu COVID-19: Vấn đề và kiến nghị”.
Phải nhìn thấy đâu là thách thức cốt tử
GS Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) nêu quan điểm, đại dịch COVID-19 khiến các mô hình, giá trị vốn có cần xem xét lại, TP.HCM cũng như nhiều nền kinh tế trên thế giới cần chấp nhận sự thay đổi để hướng tới tương lai.
Vị chuyên gia phân tích, việc đứt gãy sự phát triển xuất hiện khi các mô hình cũ, cách làm của khoảng thời gian trước dần tạo ra ít giá trị hơn hoặc không còn tạo ra giá trị. Để tránh tình trạng đó xảy ra, TP.HCM cần có sự đột phá lớn.
“TP.HCM cần có sự đột phá lớn. Khi chuẩn bị cho thời kỳ mới, chúng ta luôn bị lấn cấn bởi những tư duy cũ. Kinh nghiệm của tôi là các thành phố càng thành công trong quá khứ càng bị tư duy cũ lấn át nặng nề, rào cản về sự ngại thay đổi sẽ là khó khăn", GS Khương nói.
Để từng bước thực hiện sự thay đổi đó, GS Khương đưa ra 3 bài học mà TP.HCM có thể cân nhắc xem xét, gồm khả năng đột phá, mức độ cộng hưởng và thu hút kiến thức.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng lãnh đạo TP.HCM phải nhìn thấy đâu là thách thức cốt tử, đồng thời phải tạo ra cơ chế để cán bộ xông lên hàng đầu, thực hiện sứ mệnh lớn lao. “Tôi làm với doanh nghiệp thấy không khí còn nặng nề lắm", GS Khương nhìn nhận.
GS Khương cho rằng, TP.HCM cần xúc tiến để xây dựng TP Thủ Đức thành đô thị lớn mạnh của Việt Nam vào năm 2045. Trong đó, thành phố trực thuộc TP.HCM cần được định hướng trở thành đặc khu tri thức, là cột ăng-ten thu hút tinh hoa, kiến thức nhân loại và tạo nền tảng tương tác để các chuyên gia đóng góp tâm huyết và góp sức cho sự phát triển.
TP.HCM cũng có thể tính phương án xin phép Trung ương xúc tiến cùng 6 tỉnh, thành lân cận gồm Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh hình thành khu kinh tế cộng hưởng.
Cung cấp thuốc đặc trị COVID-19 cho người dân
Trình bày tham luận tại hội nghị, GS Hà Tôn Vinh, chuyên gia tài chính quốc tế tại Mỹ cho rằng, ngoài các chương trình tiêm chủng cho toàn dân và những người lao động ngoại tỉnh, TP.HCM cần cung cấp các loại thuốc đặc trị COVID-19 cho các gia đình hay người dân có nhu cầu tự chữa trị hay cần bảo vệ mình, tránh gây cho các bệnh viện và cơ sở y tế bị quá tải.
"Một đồng tiền đầu tư cho thuốc đặc trị lúc này sẽ là 10 đồng tiết kiệm chi phí chữa trị và chi tiêu ngân sách", GS Vinh nói.
Bên cạnh đó, GS Vinh đề nghị cung cấp các chuyến xe buýt công cộng đưa lao động hay người dân ngoại tỉnh xa thành phố về quê ăn Tết và đón họ trở lại thành phố làm việc sau Tết.
"Trong tháng 7 và tháng 8/2021, những hình ảnh buồn về việc người dân đổ dồn về quê tự phát mang lại cho chúng ta nhiều suy nghĩ. Phương án tổ chức đưa người dân về quê dịp Tết sẽ khiến người dân ngoại tỉnh có thêm nhiều thiện cảm đối với thành phố", GS Vinh chia sẻ thêm.
Theo GS Vinh, dịp Tết này chắc chắn sẽ có hàng ngàn người, hàng đoàn xe lũ lượt về quê và có thể gây ra hiệu ứng truyền thông tiêu cực, không đáng có. Ngoài ra, việc làm này là một phương pháp bảo đảm đại đa số lao động ngoại tỉnh sẽ trở lại làm việc trong các khu công nghiệp và các doanh nghiệp, hiện đang thiếu nhiều lao động có tay nghề và kinh nghiệm.
TP.HCM có thể kêu gọi các công ty vận chuyển khách, các nhà hảo tâm tham gia hoặc bảo trợ chương trình này. "Đây cũng là dịp để cho các doanh nghiệp tự quảng bá, hay chăm lo cho tất cả các nhân công lao động", GS Vinh nhận định.
Bình luận