Cô bé Hoan Hoan (5 tuổi, người Trung Quốc) ốm yếu từ nhỏ nên gia đình chăm sóc cực kỳ chu đáo. Ngày Hạ chí vừa qua, khi thời tiết nóng nhất, bà của Hoan Hoan dùng rất nhiều đậu nành để làm giá đỗ (mầm đậu nành) cho cả gia đình ăn. Cho rằng giá đỗ có tác dụng giải nhiệt, trong dịp đó hầu như ngày nào gia đình họ cũng ăn món này, chế biến theo nhiều cách khác nhau. Hoan Hoan cũng ăn nhiều.
Chưa đầy một tuần, Hoan Hoan lên cơn sốt, kèm theo nôn mửa, tiêu chảy và các triệu chứng khác. Tuy nhiên, nghĩ rằng cô bé chỉ bị yếu bụng và tiêu chảy bình thường nên gia đình không mấy lo lắng. Họ cho Hoan Hoan uống thuốc tiêu hóa.
3 ngày sau, Hoan Hoan chẳng những không đỡ mà còn co giật và hôn mê. Lúc này gia đình mới nhận ra độ nghiêm trọng của vấn đề và đưa cô bé đến bệnh viện. Thế nhưng vì nhiễm khuẩn quá nặng, nội tạng của Hoan Hoan đã bị phá, bác sĩ dù cố gắng hết sức vẫn không cứu được cô bé 5 tuổi khỏi lưỡi hái tử thần.
Cái chết của Hoan Hoan khiến bác sĩ rất ngạc nhiên, không hiểu tại sao một cô bé đang trong trạng thái bình thường lại có thể đột nhiên xuất hiện những triệu chứng nghiêm trọng như vậy. Sau đó, khi kiểm tra thực phẩm mà gia đình đã ăn, bác sĩ kết luận thủ phạm là vi khuẩn Salmonella trong mầm đậu nành.
Mặc dù đã quá muộn đối với Hoan Hoan, nhưng việc phát hiện nguyên nhân vẫn có thể giúp nhiều người tránh mắc phải sai lầm tương tự.
Salmonella là một trong những mầm bệnh phổ biến nhất gây ngộ độc thực phẩm, có thể xuất hiện trong thịt, trứng, sữa, thịt gia cầm và các sản phẩm đậu nành mà chúng ta thường ăn. Các bệnh truyền qua thực phẩm do thủy sản nhiễm khuẩn salmonella cũng liên tục xảy ra trong những năm gần đây.
Độc tố của vi khuẩn Salmonella làm tổn thương niêm mạc ruột, kích thích ruột gây đau bụng, làm chảy máu, hoặc có thể gây thủng ruột. Chất độc đi vào máu đến hệ thần kinh trung ương sẽ làm tổn thương hệ thần kinh và nhiễm độc toàn thân.
Do Salmonella không phân hủy protein nên trông thực phẩm gần như không thay đổi sau khi nhiễm khuẩn; điều này gây khó khăn trong việc phát hiện. Vi khuẩn này lại có khả năng chống chịu rất tốt trong môi trường, có thể tồn tại gần 3 tuần trong nước và đất, 1-2 tháng trong phân.
Nhiệt độ sinh sản thích hợp nhất của Salmonella là 37°C, từ tháng 5 đến tháng 10 là khoảng thời gian nó gây nhiều vụ ngộ độc thực phẩm nhất. Môi trường sinh trưởng tốt nhất cho giá đỗ là 15 - 32°C, đây cũng là nhiệt độ rất thích hợp cho Salmonella sinh sản.
Tuy vậy, vi khuẩn Salmonella không chịu được nhiệt độ cao và các chất khử trùng. Nó sẽ bị giết nếu đun nóng ở 65°C trong khoảng 15-20 phút và sẽ chết ngay lập tức nếu bị đun ở nhiệt độ 100°C.
Sở thích ăn các món nguội, món trộn vào mùa hè tạo điều kiện tốt cho sự lây lan của vi khuẩn Salmonella. Ngoài ra, nhiều người thích ăn tái, vi khuẩn Salmonella không bị tiêu diệt hoàn toàn.
Nguy hiểm hơn nữa, các triệu chứng nhiễm khuẩn Salmonella rất giống với đau bụng đi ngoài bình thường. Thời gian ủ bệnh nói chung là 12 - 36 giờ, quá trình phát triển bệnh kéo dài 4 - 7 ngày. Trong giai đoạn này, các triệu chứng như tiêu chảy, nôn mửa, đau bụng và sốt có thể xảy ra. Khi các triệu chứng tăng nặng mà không được cứu chữa kịp thời, bệnh nhân bị mất nước, sốc, thậm chí tử vong.
Cần lưu ý là trẻ em dưới 5 tuổi, người già trên 65 tuổi và những người bị suy giảm miễn dịch dễ bị nhiễm trùng và các biến chứng nghiêm trọng hơn sau khi nhiễm vi khuẩn Salmonella. Vì vậy, nếu những người này có các triệu chứng tương ứng, cần đi khám và điều trị ngay.
Bình luận