• Zalo

BĐS TP.HCM đang nằm trong chu kỳ phục hồi và tăng trưởng?

Kinh tếThứ Bảy, 16/11/2019 17:30:00 +07:00Google News

HoREA cho rằng, thị trường bất động sản TP.HCM hiện nay về bản chất chưa có nguy cơ bị khủng hoảng vì vẫn nằm trong chu kỳ phục hồi và tăng trưởng.

Ngày 16/11, tại Hội thảo Tiềm năng và cơ hội đầu tư cổ phiếu bất động sản do Tạp chí Thương gia phối hợp với Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam và kênh truyền hình FBNC tổ chức, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, thị trường bất động sản TP.HCM hiện nay vẫn nằm trong chu kỳ phục hồi và tăng trưởng.

Theo ông Châu, trong hai năm gần đây, thị trường bất động sản TP.HCM bị sụt giảm mạnh nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là tình trạng quá thiếu nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội.

Trong 4 năm qua, có nhiều dự án nhà ở bị “đứng hình” do không thực hiện được các thủ tục đầu tư xây dựng, hoặc bị dừng triển khai. Tình trạng thiếu sản phẩm nhà ở, dẫn đến giá nhà đất tăng (do “tổng cầu” quá lớn nhưng nguồn cung ít), đem lại lợi nhuận lớn cho một số chủ đầu tư, nhưng lại làm cho khách hàng phải mua nhà giá cao hơn. Bên cạnh đó, phần lớn người tiêu dùng là người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp khó tạo lập nhà ở hơn.

bat-dong-san

HoREA cho rằng, thị trường bất động sản TP.HCM hiện nay về bản chất không xấu, chưa có nguy cơ bị khủng hoảng, vì vẫn nằm trong chu kỳ phục hồi và tăng trưởng. 

"Thị trường bất động sản TP.HCM hiện nay về bản chất không xấu, chưa có nguy cơ bị khủng hoảng, vì vẫn còn nằm trong chu kỳ phục hồi và tăng trưởng (sau giai đoạn bị khủng hoảng đóng băng 2011-2013). Thị trường bất động sản thành phố rơi vào tình thế khó khăn hiện nay chỉ có tính nhất thời, đặc thù, bất bình thường, mà nguyên nhân là do vướng mắc, xung đột của một số quy phạm pháp luật và do cả công tác thực thi pháp luật.

Tuy nhiên, do thị trường bất động sản có độ trễ nên nếu không có biện pháp xử lý hiệu quả các vướng mắc và điểm nghẽn hiện nay thì tình trạng sụt giảm quy mô thị trường sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới, dẫn đến một số doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn, thậm chí có thể có nguy cơ phá sản”, ông Châu nói.

Ông Châu cho rằng, để kiến tạo môi trường kinh doanh đảm bảo tính minh bạch, công bằng, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh và nâng cao chỉ số cạnh tranh quốc gia, trong đó có lĩnh vực bất động sản cần phải đẩy mạnh công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là tập trung giải quyết các vướng mắc, xung đột giữa một số quy phạm pháp luật của Luật Nhà ở với Luật Đất đai, giữa Luật Đầu tư với Luật Quy hoạch đô thị.

Đồng thời, cần tạo cơ chế để giải quyết phần đất công (bao gồm đất rạch, đường, bờ đất) thuộc Nhà nước quản lý trong dự án nhà ở và các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp.

"Thuận lợi hơn nên có rủi ro. Rủi ro cho nhà đầu tư. Những nhà đầu tư trong phát hành trái phiếu chiếm 7% trước hết chủ yếu là tổ chức, sự tham gia của cá nhân tăng lên cho thấy nhà đầu tư cá nhân có trình độ mới dám chơi nhưng tiềm ẩn rủi ro”, Chủ tịch HoREA nhấn mạnh.

Video: Bất động sản nghỉ dưỡng: Món hời kèm nhiều rủi ro?

Ông Lê Nhị Năng - Vụ trưởng, Trưởng cơ quan đại diện Uỷ ban chứng khoán (UBCK) Nhà nước tại TP.HCM cho biết, hiện nay toàn thị trường có 1.664 mã chứng khoán đang giao dịch trên cả 3 sàn là HOSE, HNX, UpCoM, vốn hóa đạt gần 4,7 triệu tỷ đồng.

Trong đó, số lượng các doanh nghiệp bất động sản đang niêm yết là 120 mã cổ phiếu, vốn hoá hơn 1 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 23%. Bất động sản hiện cũng là ngành nghề kinh doanh đòi hỏi nguồn vốn lớn và hiện vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn vay từ ngân hàng.

Trong khi đó, cho vay bất động sản được Ngân hàng Nhà nước xếp vào lĩnh vực rủi ro và tiếp tục lộ trình giảm dần nguồn tín dụng vào lĩnh vực này. Do đó, nguồn vốn huy động từ thị trường chứng khoán sẽ giúp các doanh nghiệp bất động sản đẩy mạnh triển khai dự án, tăng cung cho thị trường, giải quyết nhu cầu nhà ở bức thiết của người dân.

Khi đó thì giá cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản sẽ trở nên hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư mua vào lại tạo thêm vốn cho doanh nghiệp để mở rộng đầu tư, phát triển dự án.

"Thời gian qua, khi thị trường chứng khoán có dấu hiệu chững lại thì việc các doanh nghiệp bất động sản đẩy mạnh phát hành trái phiếu một cách ồ ạt cũng sẽ tiềm ẩn rủi ro, nhất là khi nguồn vốn thu được từ các đợt phát hành không được đưa vào dự án bất động sản, triển khai đúng tiến độ, hiệu quả", ông Năng cho hay.

    

Thy Huệ
Bình luận
vtcnews.vn