Thanh Hóa vừa chia tay HLV thứ 2 kể từ đầu mùa giải và là HLV thứ 4 trong vòng 1 năm qua. Quyết định từ chức của HLV Nguyễn Thành Công được đưa ra không lâu sau khi ông nhận được những văn bản chỉ đạo của lãnh đạo đội bóng.
Bầu Đệ một mực khẳng định không tước quyền HLV trưởng, nói những gì văn bản nêu là cách làm dân chủ.
“Bóng đá Việt Nam đang trên đường tiến tới chuyên nghiệp chứ chưa phải chuyên nghiệp. Mỗi đơn vị có tình hình thực tế để đưa ra chính sách quản lý và chỉ đạo, không vì mục đích cá nhân. Đây là chuyện quản lý nội bộ, không có gì to tát. Văn bản rất nhân văn và mang tính quản lý điều hành để nâng cao chất lượng hiệu quả của đội bóng”, bầu Đệ nói.
Nhưng HLV Nguyễn Thành Công có lẽ không nghĩ vậy. Việc ông phải báo cáo đội hình chính, dự bị cho tất cả các trận đấu còn lại của mùa giải lên lãnh đạo đội bóng, hay việc ông buộc phải dùng 4 ngoại binh trong tất cả các trận đấu, và đặc biệt là việc ông phải xin ý kiến các trợ lý của mình khi thay người là điều không thể chấp nhận.
Cũng như HLV Nguyễn Đức Thắng trước đó, HLV Nguyễn Thành Công ra đi khi cảm thấy công việc của mình bị can thiệp quá sâu. Đó là sự tự trọng nghề.
Cách làm của bầu Đệ luôn cho người ta cảm giác ông không tin tưởng bất cứ ai. Ngay trong ngày HLV Thành Công đến Thanh Hóa nhậm chức, ông Đệ cũng đã nói, nếu Thanh Hóa thắng thì không sao, Thanh Hóa thua thì Ban huấn luyện phải lắng nghe những góp ý của người hâm mộ để điều chỉnh cho tốt.
Sự dân chủ mà bầu Đệ luôn muốn hướng đến không có gì xấu. Nhưng nó cứng nhắc, máy móc và không phù hợp với một môn thể thao có tính phức tạp về cách chơi, và cả tinh thần chơi như bóng đá. Và khi niềm tin không đủ đầy, CLB Thanh Hóa mãi trong vòng luẩn quẩn của sự bất ổn.
Văn bản rất nhân văn và mang tính quản lý điều hành để nâng cao chất lượng hiệu quả của đội bóng
Chủ tịch CLB Thanh Hoá, Nguyễn Văn Đệ
Cách đây không lâu, một tờ báo của châu Á đã dành hẳn 3 kỳ viết về bầu Đệ - vị chủ tịch CLB thuộc loại kỳ lạ của bóng đá châu Á. Họ nói về việc ông Đệ thích ngồi băng ghế HLV thay vì ngồi ghế VIP trên khán đài. Và đó là hình ảnh điển hình cho việc ông chủ đội bóng thích làm HLV trưởng.
“Tại sao họ muốn làm điều đó, và những rủi ro khi các Chủ tịch đội bóng thích làm HLV là gì?”, cây bút người Malaysia đặt câu hỏi trong bài viết.
Ngay lập tức, anh lý giải: “Vấn đề này đã được Sir Alex Ferguson bình luận trong cuốn tiểu sử hàng đầu của ông khi ông chứng kiến nhiều Chủ tịch CLB phá hủy đội bóng của mình vì muốn cố gắng làm HLV trưởng.
Sir Alex nói rằng, hiện tượng này chỉ xảy ra ở những ông chủ người châu Á, những người yêu thích bóng đá từ tận đáy lòng nhưng thiếu kỹ năng làm việc với các HLV trưởng. Ban đầu, họ muốn học hỏi từ HLV trưởng bằng cách ngồi trong phòng với các cầu thủ, lắng nghe các HLV phân tích.
Tuy nhiên, khi họ nghĩ thế là đủ, họ sẽ tin rằng họ biết mọi thứ về bóng đá, điều này khiến họ quyết định “dạy” các HLV cách tổ chức đội bóng.
Với ông Nguyễn Văn Đệ của CLB Thanh Hóa, dường như những gì Sir Alex nói là hoàn toàn đúng”.
Cuối cùng, bài viết thêm một dẫn chứng khác để khẳng định những gì họ nói về ông Đệ không sai. Đó là chính những lời ông Đệ từng nói với truyền thông Việt Nam.
"Tôi thích ngồi với các cầu thủ để nghe những gì Ban huấn luyện hướng dẫn họ làm trong các trận đấu. Ban đầu tôi không hiểu. Tuy nhiên, thời gian trôi qua, tôi từng bước hiểu được vấn đề”.
Đúng! Thời gian trôi qua, có lẽ bầu Đệ hiểu ra rằng, ông sẽ không đưa HLV nào nữa về CLB mà sẽ đào tạo con em Thanh Hóa làm người dẫn dắt đội bóng.
Bình luận