Người xưa có câu: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”, thiếu một thứ thì không thể gọi là Tết. Bánh chưng trong tâm thức người Việt không chỉ là món ăn mà còn là văn hóa Tết, thể hiện lòng kính yêu, sự biết ơn của con cháu đến với tổ tiên và đất trời.
Hiện nay ở các thành phố lớn, nhịp sống bận rộn, người ta không có thời gian để gói bánh nên thường đặt ở người quen hay mua sẵn từ các siêu thị. Nhưng ở các vùng quê hay tỉnh thành, cứ sau lễ cúng ông Công ông Táo, tức khoảng 25 tháng Chạp trở đi, mọi người lại tất bật chuẩn bị lá dong, lá chuối, gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn để chuẩn bị gói bánh chưng đón Tết.
Có lẽ hình ảnh các ông bố ngồi cặm cụi chẻ lạt, các bà các mẹ vo gạo, làm nhân bánh rồi cả nhà cùng nhau ngồi gói bánh, buộc lạt chính là ký ức khó quên trong mỗi người.
Theo dọc đất nước, chiếc bánh chưng có sự khác biệt từ kiểu dáng, nguyên liệu cho đến cả hương vị.
Bánh chưng miền Bắc
Chiếc bánh chưng miền Bắc hình dạng vuông vức, có màu xanh mướt mắt của những chiếc lá dong được lựa chọn cầu kỳ và nguyên liệu được chọn tỉ mỉ từ nếp cái hoa vàng cho đến những hạt đỗ xanh. Bánh muốn ngon phải chuẩn bị nguyên liệu chu đáo: Gạo ngâm đãi thật kỹ, đậu xanh đồ vừa chín tới, thịt có cả nạc, bì, mỡ, ướp đủ gia vị; gói xong phải luộc ngay thì bánh mới xanh.
Lúc gói, phải tuân theo nguyên tắc “đỗ trong gạo, gạo trong lá”, chiếc bánh mới vuông đẹp, gói chặt tay, không cần ép mà bánh vẫn để được lâu. Miếng bánh sau khi cắt, nhân đỗ và thịt nạc phải luôn cân đối ở tất cả các phần.
Bánh chưng miền Nam
Khác với miền Bắc, người miền Nam có kiểu gói bánh chưng riêng. Bánh chưng miền Nam được gọi là bánh tét, cho nên mới có câu thành ngữ: “Bánh chưng miền Bắc, bánh tét miền Nam”. Nếu ở miền Bắc, chiếc bánh vuông vức như trong “Sự tích bánh chưng bánh giầy” thì ở miền Nam, người ta gói bánh theo hình trụ dài.
Bánh tét cũng có các nguyên liệu như gạo nếp, đậu xanh nhưng thịt có thể có hoặc không (nhiều người không cho thịt để bảo quản lâu hơn, có thể ăn sau Tết). Thay bằng lá dong, người miền Nam dùng lá chuối.
Khi gói, người ta dùng 2-4 chiếc lá xếp theo chiều dọc, rải gạo, đậu xanh theo chiều của lá và quấn bằng lạt để bó chặt chiếc bánh. Bánh tét của miền Nam cũng có nhiều loại khác nhau như bánh tét chay, bánh tét không nhân, bánh tét ngọt...
Bánh chưng miền Trung
Đất miền Trung có cả bánh chưng lẫn bánh tét. Bánh chưng miền Trung thường bé và ít nhân hơn bánh chưng ngoài Bắc. Bánh tét thì giống như của miền Nam nhưng chỉ dùng để ăn trong nhà, không dùng làm quà biếu như trong Nam. Bởi ở miền Trung, “đòn bánh tét” nghe như “đòn roi” nên họ không dùng để tặng.
Ngày nay, chất lượng cuộc sống ngày càng tốt hơn, bánh chưng không còn là thức quà quý chỉ có mỗi dịp Tết nữa mà được bày bán ở khắp nơi ngay cả trong ngày thường. Vì thế mà người ta cũng bớt háo hức chờ Tết đến để có bánh chưng ăn như ngày xưa. Mặc dù vậy, khi tiết se lạnh đầu xuân thay thế cho rét buốt ngày đông, mọi người vẫn thấy thèm nhớ, muốn ăn một miếng bánh chưng, có lẽ vì đó là thói quen trong tâm thức của mỗi người Việt.
Bình luận