• Zalo

'Băm nát' quy hoạch Hà Nội: Vì sao khi dự án xây dựng, Bộ không thanh tra?

Bất động sảnThứ Ba, 05/07/2022 13:25:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo chuyên gia, UBND Hà Nội chịu trách nhiệm chính về sai phạm quy hoạch đường Lê Văn Lương nhưng cần xem vai trò Bộ Xây dựng, thanh tra nhà nước thời kỳ này.

Đó là ý kiến của Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa.

Đại biểu Hòa nhấn mạnh, đường Lê Văn Lương chỉ dài khoảng 2km nhưng đã bị điều chỉnh, sửa quy hoạch, cho xây dựng hàng chục tòa nhà cao tầng san sát, khiến dân cư đông đúc, ồn ào, làm cho quy hoạch nội đô Hà Nội bị xáo trộn, ảnh hưởng tới an ninh trật tự.

Kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ rõ, có hàng chục dự án, công trình được Sở Quy hoạch - Kiến trúc điều chỉnh “phù phép” theo hướng nâng tầng, tăng mật độ xây dựng, “hô biến” từ đất đơn chức năng thành đa chức năng, chất tải tùy tiện. Sau đó là Sở Xây dựng, UBND cấp quận…cấp phép xây dựng bừa bãi, buông lỏng quản lý xây dựng trong thời gian dài, góp phần “băm nát” quy hoạch tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu.

Theo ông Hòa, từ kết luận này có thể thấy vai trò của nhiều cơ quan chức năng, từ UBND TP Hà Nội đến các Sở ngành. Thậm chí cả Bộ Xây dựng thời điểm đó và thanh tra Nhà nước cũng có trách nhiệm liên đới. 

'Băm nát' quy hoạch Hà Nội: Vì sao khi dự án xây dựng, Bộ không thanh tra? - 1

Đường Lê Văn Lương bị Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận có nhiều sai phạm trong quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch.

“Vì sao quy hoạch cách đây mười mấy năm rồi nhưng bây giờ mới thanh tra, kết luận là điều chỉnh quy hoạch sai phạm, điều chỉnh xây dựng quá nhiều nhà cao tầng? Vì sao khi hàng loạt dự án đang xây dựng, Bộ Xây dựng lại không không thanh tra, không xử lý? Đây là vấn đề rất kỳ lạ. Thời kỳ đó cũng có Bộ Xây dựng, cũng có thanh tra Bộ xây dựng như bây giờ, rồi có Thanh tra Nhà nước…nhưng vì sao bây giờ mới thanh tra? Vì thế tôi cho rằng, dù việc thanh tra bây giờ làm cũng rất tốt nhưng vẫn phải truy cứu cả trách nhiệm của Bộ Xây dựng tại thời điểm đó chứ không chỉ riêng UBND TP Hà Nội”, ông Hòa thẳng thắn nêu quan điểm.

Theo ông Hòa, trước những sai phạm gây bức xúc này, dư luận hoàn toàn có thể đặt câu hỏi: Vai trò của bộ chủ quản chuyên ngành ở đâu? Người dân có quyền đặt nghi vấn liệu Bộ Xây dựng có buông lỏng quản lý, thậm chí là dung túng cho UBND TP Hà Nội điều chỉnh quy hoạch, làm lợi cho doanh nghiệp dẫn đến không thanh tra hay không? Hoặc thanh tra rồi nhưng không công bố kết luận?

"Tôi kiến nghị, việc quy hoạch đường Lê Văn Lương nếu ở mức độ vi phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, có lợi ích nhóm thì phải chuyển qua cơ quan điều tra để làm cho rõ”, ông Hòa nói thêm.

'Băm nát' quy hoạch Hà Nội: Vì sao khi dự án xây dựng, Bộ không thanh tra? - 2

Đại biểu Phạm Văn Hòa bức xúc trước những sai phạm về quy hoạch trên đường Lê Văn Lương.

Ông Hòa thừa nhận, sai phạm thì đã sai phạm, nhà cũng đã xây, bây giờ không phải muốn là đập đi, là phá bỏ. Hơn nữa, việc truy cứu các sai phạm từ cách đây mười mấy năm cũng không phải dễ.

“Nếu xử lý vi phạm hành chính thì hết thời hiệu. Xử lý hành chính mà khó khăn thì xử lý hình sự cũng khó khăn không kém. Tuy nhiên nếu xét thấy có lợi ích nhóm thì vẫn cần phải làm rõ, xử lý nghiêm để dư luận đồng tình, tin tưởng”, ông Hòa nêu quan điểm.

Đồng tình với ông Hòa, nhiều đại biểu Quốc hội khác cũng nhìn nhận những sai phạm về quy hoạch ở đường Lê Văn Lương, Hà Nội không chỉ gây ảnh hưởng trong vòng 10-20 năm, mà ảnh hưởng đến nhiều thế hệ sau - những người không gây ra nhưng trực tiếp phải gánh chịu. Một số người cũng đặt nghi vấn, ở Hà Nội không chỉ riêng đường Lê Văn Lương mà có rất nhiều đường chỉnh sửa quy hoạch. Sai phạm về quy hoạch cũng không chỉ riêng Hà Nội hay TP.HCM mà nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, nhưng chúng ta cũng không có thời gian thanh tra toàn diện. Do vậy, phát hiện đến đâu cần xử lý ngay đến đó để mang tính răn đe.

Chia sẻ thông tin với VTC News, ông Lưu Bình Nhưỡng, nguyên Phó trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội cho biết, ông đã từng nhiều lần kiến nghị, chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng về đảm bảo thanh, kiểm tra các công trình cao tầng, khu đô thị làm ảnh hưởng tới áp lực hạ tầng nhưng đáng tiếc là việc thanh tra còn chậm, nhiều vi phạm, sai phạm rơi vào “thế đã rồi”.

Theo ông Nhưỡng, thanh tra là chế độ hậu kiểm nhưng phải có tính chủ động. Bởi ngay từ phê duyệt đồ án quy hoạch đã phải tiến hành thanh tra rồi và lúc đó có chấn chỉnh thì sẽ có sự thay đổi.

"Biện pháp thanh tra của các chương trình thanh tra cần thay đổi. Đây là bài học rất lớn về công tác thanh tra chứ không đơn thuần là bài học về vi phạm. Vì nạn nhân hứng chịu chính là xã hội, người dân", ông Nhưỡng nói.

Cũng liên quan đến trục đường Lê Văn Lương, Tiến sĩ Luật, đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, đối với vi phạm quy hoạch tại đường Lê Văn Lương có hai vấn đề cần làm rõ:

Thứ nhất, việc cài đặt tuyến buýt nhanh BRT cần phải thanh tra, điều về tính cấp thiết, rồi tác động của nó đối với phát triển kinh tế xã hội, thiệt hại của nó gây ra là gì.

Thứ hai, liên quan đến quy hoạch các nhà cao tầng quanh trục đường này, mật độ xây dựng nhà cao tầng cần phải làm rõ, đằng sau câu chuyện đó có lợi ích nhóm hay không. Muốn vậy phải điều tra, xác minh để làm cho cụ thể.

Ông Vân cho rằng, sai phạm về quy hoạch tại đường Lê Văn Lương cơ bản nhất là công tác cán bộ với hai khả năng xảy ra:

Khả năng thứ nhất là cán bộ không nắm rõ quy hoạch nên đã nhắm mắt phê duyệt theo đề xuất của các doanh nghiệp, bị lái theo lợi ích của các doanh nghiệp. Khả năng thứ hai là nhận thức được vấn đề nhưng bị đốn ngã bởi lợi ích tiền bạc, vật chất mà cố tình làm sai quy hoạch, cố tình vi phạm pháp luật.

“Cả hai trường hợp đó đều liên quan đến công tác nhân sự. Do đó, trước hết là phải xử lý nghiêm cán bộ. Bên cạnh đó cần xử lý hài hòa lợi ích cho các nhà đầu tư, nhất là người dân đã mua căn hộ trên đường Lê Văn Lương. Cơ quan chức năng cũng phải tiếp tục xem xét những công trình đang tồn tại nơi đây, không phù hợp thì nhất định phải có hướng xử lý. Với những công trình đang xây dựng cũng cần được xem xét ngay lập tức để điều tra, đình chỉ nếu có vi phạm. Công trình nào phù hợp, không vi phạm mới tiếp tục cho xây dựng”.

Chia sẻ với VTC News, đại biểu Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban công tác đại biểu (Ủy ban Thường vụ Quốc hội), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, khi đã có kết luận sai phạm của cơ quan chức năng thì phải nhanh chóng xử lý.

“Hiện nay chúng ta vẫn còn nhiều vấn đề trong công tác quy hoạch đầu tư, trong khi nhiều nơi còn khó khăn như các tỉnh miền núi thì không được đầu tư thì ở những điểm khác lại đào bới, xây sai quy hoạch, gây ra rất nhiều lãng phí”, đại biểu Yên nói.

Theo đại biểu này, sau rất nhiều năm xây dựng mà nếu cơ quan chức năng chưa từng ban hành kết luận sai phạm thì đó là trách nhiệm của các cơ quan kiểm tra, giám sát, ở đây là Bộ Xây dựng đã  chưa làm tròn vai. Tuy nhiên việc xử lý sai phạm ở đường Lê Văn Lương dù hơi muộn nhưng vẫn cần thiết để bảo vệ quy hoạch đô thị của toàn Thủ đô phát triển đồng bộ, bền vững, lành mạnh.

Vừa qua, Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành Kết luận Thanh tra số 39/KL-TTr về việc Thanh tra Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, chủ đầu tư dự án, công trình, tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt tại khu vực hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính.

Kết luận đã chỉ rõ hàng loạt sai phạm trong công tác điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt tại hầu hết công trình thuộc khu vực này. Theo đó, các dự án được lập, chấp thuận tổng mặt bằng, phương án kiến trúc tỷ lệ 1/500, rồi điều chỉnh nhiều lần (có dự án 5 lần điều chỉnh) nhưng không được công bố công khai, dẫn đến tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong quản lý đô thị không biết để quản lý, giám sát thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng 2003, Luật Xây dựng 2014, Luật Quy hoạch đô thị 2009.

PHẠM DUY
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp