Thống kê từ ngành Y tế cho thấy, số lượng người mắc sốt xuất huyết hiện nay đang tăng cao, trong đó có nhiều phụ nữ mang thai.
Theo các chuyên gia, khi mang thai khả năng đề kháng của phụ nữ giảm, nên có nguy cơ mắc sốt xuất huyết cao hơn bình thường. Mẹ bầu nếu mắc sốt xuất huyết không phát hiện và điều trị kịp thời có thể phải đối mặt với các nguy cơ sau:
- Tình trạng bệnh khó điều trị hơn người bình thường nên cả mẹ và thai nhi đều có thể bị đe dọa về tính mạng.
- Sốt xuất huyết trong thai kỳ có thể gây sảy thai, sinh non, thai nhẹ cân và một tỷ lệ rất nhỏ mẹ có thể truyền virus sang thai.
- Các bà bầu có thể xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu đường tiêu hoá do tình trạng giảm tiểu cầu. Nếu diễn tiến nặng hơn có thể bị tăng men gan, tràn dịch ổ bụng hay màng phổi, màng tim hoặc sốc giảm thể tích máu, dễ dẫn đến nhau bong non, thai chết lưu trong tử cung hay thậm chí mẹ tử vong.
Sốt xuất huyết trong thai kỳ có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm. (Ảnh minh họa)
Sốt xuất huyết khi mang thai thường khó chẩn đoán hơn người bình thường do tình trạng pha loãng máu lúc mang thai làm che lấp tình trạng cô đặc máu. Do đó, trong giai đoạn phức tạp này, chị em nên theo dõi thật kỹ tình hình sức khỏe của mình. Nếu có các triệu chứng đầu tiên như đau đầu, sốt thì nên làm xét nghiệm máu để sàng lọc nguy cơ sốt xuất huyết.
Nhiều người băn khoăn, nếu mắc sốt xuất huyết trong thai kỳ có nhất thiết phải bỏ thai hay không? Lý giải điều này, chuyên gia cho rằng sốt xuất huyết là căn bệnh nguy hiểm cho bà bầu, tuy nhiên hiện nay không có chỉ định sản phụ mắc sốt xuất huyết phải bỏ thai, nhiều sản phụ khi mắc bệnh, điều trị xong vẫn sinh con bình thường mà không ảnh hưởng gì.
Video: Dinh dưỡng phòng và điều trị sốt xuất huyết
Bà bầu cần lưu ý những gì để đảm bảo an toàn cho thai nhi?
- Đề phòng muỗi đốt: Theo nguyên lý, sốt xuất huyết lây truyền qua đường muỗi đốt. Chính vì thế biện pháp hàng đầu là cần đề phòng muỗi đốt. Nên dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát, không để nước đọng trong các thùng, hộp chứa…
- Luôn sử dụng màn khi ngủ: Bà bầu nên mặc quần áo dài tay để hạn chế tối đa nguy cơ bị muỗi đốt. Ngoài ra, có thể áp dụng một số cách đuổi muỗi tự nhiên như sử dụng tinh dầu chanh sả, hoặc đặt vài củ sả ở trong phòng…
- Theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe của cơ thể, nếu có những dấu hiệu nghi ngờ như đau đầu, sốt, chảy máu răng, chảy máu cam, xuất huyết dưới da hay đau cơ, đau khớp, đau họng, viêm long… thì nên đến bệnh viện để kiểm tra sớm.
Bà bầu cần theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe của mình
- Bà bầu cần ăn uống đủ chất, đặc biệt tăng cường các loại rau xanh, trái cây để tăng sức năng đề kháng cho cơ thể.
- Khi mắc bệnh, cần uống nhiều nước hơn bình thường để bù lượng nước và chất điện giải bị thất thoát do sốt. Tốt nhất là uống nước oresol, nếu chưa có oresol thì có thể tạm thời uống nước gạo rang hoặc tự pha 2 muỗng cà phê đường với 8 muỗng cà phê muối ăn trong 1 lít nước, uống theo nhu cầu. Nên uống thêm các loại nước ép trái cây tươi như chanh, cam, xoài, dưa hấu, đu đủ…
- Trong thai kỳ việc sử dụng thuốc cho bà bầu cần hết sức thận trọng. Nếu không may mắc bệnh, bà bầu cần tuân thủ tuyệt đối phác đồ điều trị của bác sĩ, không tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào để tránh gây hại cho thai nhi.
Bình luận