Video: Làng làm đũa cau nàng rưng tất bật dịp đầu năm
Vót đũa cau rừng là nghề truyền thống của hàng chục hộ dân xã Phúc Trạch (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), được người dân duy trì suốt hàng chục năm nay.
Nguyên liệu chính để làm đũa là cây cau rừng, thường mọc tại các vùng đồi núi thuộc huyện Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn,…
Sau khi mang cau rừng về nhà, những người thợ cưa gốc cau ra thành nhiều đoạn dài khoảng 25-30 cm. Theo kinh nghiệm của người dân, cây cau càng già thì làm đũa càng bền, càng đẹp.
Công đoạn tiếp theo là dùng dao chẻ phần ruột bên trong để tạo đũa thô, sau đó bào đũa.
Bào đũa là công đoạn đòi hỏi người thợ phải chăm chú trong từng đường bào. Nếu làm quá nhanh, dùng lực quá nhiều, lưỡi bào sẽ ăn sâu vào phần thịt gỗ khiến chiếc đũa có thể bị hỏng, mất cân đối.
Đánh bóng là công đoạn cuối cùng quyết định chất lượng cũng như thẩm mỹ của đôi đũa, thường thì người dân sử dụng lá chuối hột để đánh bóng đũa. Đũa đánh bóng xong được đem ra phơi nắng chống mốc, khoảng 2-3 nắng là đạt.
Dụng cụ bào cau rừng được thiết kế nhỏ gọn, cầm vừa tay, ở giữa có rãnh nhỏ bằng chiếc đũa để có thể gọt bớt phần thịt gỗ thừa.
“Đũa làm bằng cây cau rừng cứng và rất bền, dễ gắp thức ăn. Sát Tết nên gia đình phải tất bật cả ngày mới cung ứng đủ hàng cho khách. Cũng nhờ nghề này mà tôi đã nuôi lớn được 2 con, cho chúng ăn học đại học”, bà Trịnh Thị Oanh (thôn 3, xã Phúc Trạch) nói với VTC News.
Anh Đoàn Vương Hải (Thôn 1, xã Phúc Trạch) cho biết: “Gần Tết, chúng tôi làm việc xuyên đêm mới đủ hàng giao cho khách trong và ngoài tỉnh. Người 100 đến 200 đôi, ngoài việc để dùng họ còn làm quà biếu, đũa cau cũng được rất nhiều bà con ở nước ngoài ưa chuộng”.
Ngoài độ cứng và bền, đũa cau rừng còn có đường vân bắt mắt, màu nâu đỏ, sử dụng được lâu dài. Tuy nhiên, khi sử dụng xong phải rửa thật sạch và gác nơi khô ráo để dùng lần sau.
Đũa thành phẩm được gói thành từng bó, tùy theo số lượng khách hàng muốn mua mà gói. Giá đũa cũng khác nhau tùy theo chất lượng, mẫu mã, giá dao động từ 20-60 ngàn/chục đôi.
Giáp Tết, người dân làng làm đũa cau tất bật hơn vì khách hàng trong và ngoài tỉnh liên tục đặt hàng. Dịp này một số gia đình làm đũa có thể thu về 1-2 triệu đồng mỗi ngày.
Lãnh đạo xã Phúc Trạch cho biết, nghề làm đũa cau nàng Rưng có từ hàng chục năm trước, hiện khoảng 20 gia đình ở thôn 1 và 3 duy trì. Trước đây, cây cau nàng Rưng trên địa bàn huyện Hương Khê nhiều, song nay ít dần người dân phải đi mua ở những nơi khác.
Bình luận