Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Quang, Trung tâm trị liệu chăm sóc da MDmedical, đường (Glucose) là chất dinh dưỡng vô cùng quan trọng đối với cơ thể. Tế bào của cơ thể chúng ta dùng đường để sản sinh năng lượng phục vụ cho tất cả các chức năng sống của toàn bộ tế bào trong cơ thể. Thiếu đường cơ thể chúng ta sẽ khó có thể hoạt động một cách chính xác, mạnh mẽ, tràn đầy năng lượng.
Nếu chúng ta sử dụng nước đường tươi đến từ thực vật có trong các loại trái cây chín hoặc trong rau tươi thì đường này ở dạng hoạt động và mang lại năng lượng nhanh chóng cho cơ thể. Ngay lập tức, cơ thể chúng ta sẽ tỉnh táo, năng lượng và mát mẻ. Đường trong thực vật tươi và khỏe mạnh sẽ mang lại sức khỏe hoàn hảo, trẻ trung, tươi mới cho cơ thể sống.
Trái lại, đa phần chúng ta lại nhầm tưởng với đường chế biến (đường kính, đường hóa học, chất làm ngọt nhân tạo…có trong các loại nước ngọt, bánh kẹo ngọt, đồ ăn nhanh). Loại đường này cũng có vị ngọt nhưng thường rất khô.
Theo bác sĩ Quang, đường khi bị chế biến đã bị biến đổi cấu trúc, bị oxy hoá, bị lẫn nhiều tạp chất gây độc cho cơ thể và có tính acid rất mạnh nên khi ăn những thực phẩm có chứa đường chế biến, đã qua xử lý nhiệt hay hóa chất mà không còn ở trạng thái tự nhiên thì những chất này sẽ làm mất nước cơ thể rất nặng gây ra hiện tượng nhanh đói, khô da, rụng tóc, nếp nhăn, lão hóa, đốm nâu, dễ viêm và tăng viêm và từ đó làm chúng ta già đi rất nhanh.
"Ăn đường chế biến cơ thể chúng ta sẽ bị mất nước y như trái cây khô vậy", bác sĩ Quang cho biết.
Những ảnh hưởng tiêu cực khi bạn ăn quá nhiều đường
Đường còn có hại hơn chất béo khi nó có thể gây ra nhiều bệnh nguy hiểm cho sức khỏe chính bạn, như béo phì, tim mạch, suy giảm hệ thống miễn dịch, tiểu đường...
Tăng cân không kiểm soát
Một trong những ảnh hưởng đầu tiên của việc ăn quá nhiều đường vào cơ thể là làm tăng cân. Với rất nhiều đồ uống có đường và các sản phẩm khác, con người (đặc biệt là trẻ em) rất dễ bị chứng béo phì.
Theo một nghiên cứu, lượng thức uống nhiều đường có liên quan đến chứng béo phì ở trẻ em. Thực tế, lượng calo trong chất ngọt này ức chế tế bào đốt chất béo và làm tăng lượng insulin, gây rối loạn trao đổi chất cơ thể dẫn đến tăng cân.
Ngoài ra, đường cũng có khả năng tăng ghrelin – hormone gây cảm giác đói. Vì vậy, bạn sẽ ăn nhiều hơn, chủ yếu là thực phẩm giàu carbohydrate dẫn đến sự tích tụ chất béo trong bụng. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và bệnh tim.
Nguyên nhân của nhiều vấn đề về gan
Đường được tạo thành từ fructose và glucose, được chuyển hóa trong gan thành lipid. Do đó, quá nhiều đường có nghĩa là gan phải làm việc quá sức và sản xuất lipid thừa, điều này sẽ ảnh hưởng đến chức năng của gan.
Ngoài ra, ăn nhiều đường có thể làm tăng insulin trong cơ thể và dẫn đến sự tích tụ chất béo trong tế bào gan. Trên thực tế, nó có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh gan, một số triệu chứng thông thường như mệt mỏi, buồn nôn và vàng da.
Theo một nghiên cứu trên Tạp chí Hepatology, việc tiêu thụ đường thường xuyên làm tăng nguy cơ bị bệnh gan nhiễm mỡ, đặc biệt ở những người béo phì và thừa cân.
Nguyên nhân lo âu và trầm cảm
Quá nhiều đường cũng liên quan đến nguy cơ tâm lý bị kích thích, lo lắng và thậm chí trầm cảm.
Để hoạt động bình thường, não của bạn cần cung cấp một số chất như insulin và glucose. Tuy nhiên, khi bộ não bị cung cấp quá mức các chất này do ăn nhiều đường, nó sẽ dẫn đến tình trạng bồn chồn và lo lắng.
Ảnh hưởng đến sức khỏe của não
Quá nhiều đường làm suy giảm chức năng của nhận thức, giảm protein trong cơ thể của bạn dẫn đến chứng hay quên.
Theo một nghiên cứu trên Tạp chí Sinh lý học, chế độ ăn uống có lượng đường cao có thể ảnh hưởng đến trí nhớ và học tập bằng cách làm chậm lại bộ não của bạn.
Làm cho hệ thống miễn dịch yếu hơn
Hấp thụ nhiều đường làm giảm hệ thống miễn dịch của bạn, khiến bạn dễ bị cảm lạnh, cảm cúm và một số bệnh nhiễm trùng khác. Thậm chí, khi hệ thống miễn dịch yếu đi có thể nguy cơ dẫn tới bệnh ung thư và một số bệnh khác đe dọa tính mạng.
Bình luận