Củ cải là loại rau củ quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày, ngoài là nguyên liệu chế biến nhiều món ăn, củ cải còn có tác dụng chữa bệnh. Vậy, củ cải có tác dụng gì?
Củ cải có tác dụng gì?
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Vinmec cho biết, củ cải trắng được xếp vào nhóm rau củ ít calo nhưng có hàm lượng dinh dưỡng đáng ngạc nhiên. Theo ước tính từ các nhà dinh dưỡng, 338 gram củ cải tươi chứa các chất dinh dưỡng sau đây:
- Calo: 61
- Carbs: 14 gram
- Protein: 2 gram
- Chất xơ: 5 gram
- Vitamin C: 124% DV
- Axit folic (vitamin B9): 24% DV
- Canxi: 9% của DV
- Magiê: 14% của DV
- Kali: 22% DV
- Đồng: 19% của DV
*DV (daily value): nhu cầu dinh dưỡng được khuyến nghị hằng ngày.
Bên cạnh đó, ăn củ cải trắng sẽ tiêu thụ thêm một lượng glucose, fructose, saccharose, Vitamin A, B, folate, choline... Theo Đông Y, củ cải có vị ngọt, hơi cay, đắng, tính bình, không độc.
Ăn củ cải có tác dụng gì?
Dưới đây là những tác dụng của củ cải đối với sức khoẻ:
Giảm nguy cơ ung thư
Bài viết trên Báo Sức khoẻ & Đời sống chỉ ra, củ cải chứa chất phytochemical và anthocyanins có tính chất chống ung thư. Ngoài ra, nó là loại củ giàu vitamin C, tác dụng như chất chống oxy hóa mạnh mẽ để ngăn chặn các tổn hại các gốc tự do - DNA bên trong các tế bào, do đó giúp ngăn ngừa ung thư.
Một nghiên cứu do Nutritionoffers cho biết, xuất hiện các bằng chứng chứng tỏ chiết xuất từ rễ củ cải có thể tiêu diệt các tế bào ung thư bằng cách kích hoạt cơ chế tự hủy của loại tế bào ác tính này. Đó là do có sự xuất hiện của isothiocyanates – chất được cho là không loại củ nào dồi dào bằng củ cải.
Điều chỉnh huyết áp
Đây là nguồn thực phẩm giàu kali giúp duy trì sự cân bằng natri-kali trong cơ thể, nhằm giữ cho huyết áp ổn định.
Một nghiên cứu về dinh dưỡng và thực tiễn cho thấy lá củ cải có tác dụng “hạ huyết áp” ở những người bị tăng huyết áp đáng kể.
Hỗ trợ hệ tiêu hóa, ngăn ngừa nguy cơ bị trĩ
Theo bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Vinmec, như bao nguồn thực vật giàu chất xơ khác, củ cải trắng có tính nhuận tràng, tăng cường hoạt động của ruột.
Với thành phần lignin (phân tử có cấu trúc carbohydrate không hòa tan, khó tiêu), khi ăn củ cải trắng sẽ tạo điều kiện cho hệ thống tiêu hóa giữ nước và giảm bớt táo bón, một trong những nguyên nhân chính của bệnh trĩ.
Hơn nữa, củ cải trắng còn có khả năng thúc đẩy cơ thể sản xuất mật- một trong những yếu tố quan trọng nhất để hệ tiêu hóa và làm việc một cách hiệu quả nhất.
Phòng ngừa bệnh thiếu máu, tốt cho não bộ
Vitamin B12 tự nhiên trong củ cải trắng giúp thúc đẩy sự hấp thu sắt, tham gia vào việc tổng hợp tiểu phần hemoglobin trong máu. Lượng oxy hemoglobin tăng cao giúp bồi bổ thể lực, phòng ngừa thiếu máu. Không chỉ vậy, một nghiên cứu tại Đại học Wake Forest chỉ ra lượng nitrat cao trong củ cải trắng có thể làm tăng lượng máu đến não, cải thiện chức năng tâm thần, tăng cường sức khỏe não bộ, thậm chí bảo vệ tế bào não trong nhiều năm.
Phòng chống cảm lạnh và ho
Nếu bạn hay bị ho và mắc cảm lạnh, củ cải có thể là ý tưởng tốt để bổ sung vào chế độ ăn uống của bạn nhằm phòng tránh các căn bệnh này. Đây là một trong các loại rau củ có thể chống sung huyết, hình thành các chất nhầy trong cổ họng của bạn. Ngoài ra, củ cải cũng giúp tăng cường khả năng miễn dịch, giữ cơ thể khỏi các bệnh nhiễm trùng dẫn đến cảm lạnh và ho.
Giúp giảm cân
Củ cải rất ít calo cộng thêm hàm lượng chất xơ cao làm người ăn cảm thấy no nhanh. Ví dụ 100g củ cải tươi chỉ chứa 16 calories do vậy bạn có thể thoải mái thưởng thức món củ cải vừa có lợi cho sức khỏe vừa giảm cân.
Một số bài thuốc chữa bệnh có củ cải
Báo Vietnamnet dẫn lời Lương y Bùi Đắc Sáng (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội) cho biết, củ cải trắng có thể dùng để hỗ trợ một số bệnh như điều trị khản tiếng mùa lạnh, trị ho và hẽn suyễn, viêm loét dạ dày, trị nhiệt loét miệng.
Để điều trị khản tiếng, đau họng trong mùa lạnh, chúng ta có thể dùng nước ép củ cải trắng, trộn mật ong rồi uống 3-5 ngày là khỏi. Với hen suyễn, chúng ta cần dùng 250g củ cải, sau đó sắc với đường phèn, mật ong và một bát nước. Sau khi cạn còn nửa bát nước dùng khi còn ấm, cần ăn cả củ cải.
Dù là thực phẩm bổ dưỡng, nhiều tác dụng với sức khỏe nhưng lương y Sáng cũng cho rằng khi ăn cần có những lưu ý nhất định để không mất chất, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Theo đó, nhiều gia đình khi luộc củ cải thường luộc chung với cà rốt. Điều này là không nên bởi củ cải vốn là loại củ giàu vitamin C nhưng khi kết hợp củ cải cùng cà rốt, enzyme axit ascorbic trong cà rốt có khả năng phân hủy vitamin C, gây mất chất.
Ngoài ra, khi mới ăn củ cải cũng không nên ăn các loại quả như táo, nho, lê ngay sau đó. Theo lương y Sáng, flanovoid có trong các quả trên có thể phản ứng hóa học với thiosulfate trong củ cải, tạo nên lượng lớn thiocyanate. Đây là một chất làm giảm chức năng tuyến giáp và tăng nguy cơ mắc bệnh bướu.
Theo các chuyên gia, mặc dù củ cải được ví là “nhân sâm trắng” nhưng chúng ta chỉ ăn 3-4 bữa/tuần.
Bình luận