Chia sẻ với báo giới sáng 4/7, bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện (BV) Bạch Mai cho biết, kết quả xét nghiệm phát hiện trong đường nước của bệnh nhân ở Hòa Bình trong vụ tai biến y khoa khiến 8 người tử vong có chất fluoride.
"Đây là hóa chất cực độc, là chất tẩy rửa dùng trong công nghiệp. Hóa chất này không được phép dùng trong y tế. Trong xử lý hệ thống RO hóa chất này không được phép dùng mà người ta chỉ được phép dùng 3 hóa chất khác (thường sử dụng Javen) theo hướng dẫn của quốc tế, theo hàm lượng chi tiết”, TS Dũng khẳng định.
GS.TS Nguyễn Gia Bình cho biết thêm, hàm lượng fluoride cho phép trong nước chạy thận phải dưới 0,2 mlg/lít. Tuy nhiên xét nghiệm cho thấy nước chạy thận trong vụ tai biến y khoa này có hàm lượng fluoride cao gấp 263 lần cho phép, thậm chí sau 2 tuần xét nghiệm lại nguồn nước còn tồn dư trong máy cũng thấy hàm lượng chất độc này có thể gây chết người ngay lập tức.
“Đây là chất tẩy rửa cực độc, không được phép sử dụng trong y tế bởi nó gây ra một loạt hậu quả khi xâm nhập vào cơ thể con người với hàm lượng cao”, GS Bình khẳng định.
BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) cho biết, vì tính chất độc nên fluoride không được dùng trong y tế.
“Khi xâm nhập vào cơ thể, hóa chất gây tổn hại cho nhiều tế bào, đặc biệt gây tổn thương tế bào cơ tim, gây loạn nhịp tim, gây tử vong nhanh chóng. Ngoài ra gây nhiều rối loạn khác trong cơ thể”, BS Nguyên nói.
“Việc chất fluoride tồn dư với lượng cao trong các mẫu cho thấy hóa chất được đưa vào trong quy trình xử lý nước chứ không phải có trong tự nhiên. Còn việc hóa chất này được đưa bao nhiêu, ở đâu ra cơ quan chức năng đang điều tra”, BS Nguyên nhận định.
Quy trình kiểm tra máy như thế nào trước khi chạy thận?
BS Dũng cho biết, ở bệnh viện Bạch Mai, khi bật máy, bác sĩ, điều dưỡng viên quan sát 3 yếu tố lưu lượng, áp lực và TDS (TDS nghĩa là tổng chất rắn hòa tan - Total Dissolved Solids (TDS) là tổng số các ion mang điện tích, bao gồm khoáng chất, muối hoặc kim loại tồn tại trong một khối lượng nước nhất định, thường được biểu thị bằng hàm số mg/l hoặc ppm (phần triệu).
Người ta thường dùng chỉ số TDS để làm cơ sở ban đầu xác định mức độ sạch của nguồn nước -PV), nếu 3 thông số này nằm trong quy định cho phép thì đương nhiên được sử dụng máy. Ở một số nơi thì người ta thường test cloramin bởi ở đâu nó người ta dùng nước javen (có nhiều cloramin) để khử khuẩn nước sinh hoạt.
“Khi 3 thông số này đạt, mặc nhiên khoa bật máy, bác sĩ chỉ định và bệnh nhân được chạy thận diễn ra như bình thường”, TS Dũng nói.
Đối với ngày vệ sinh hệ thống máy móc thì có thể giao cho bác sĩ được phân công, hoặc lãnh đạo khoa đề xuất Ban giám đốc BV kí hợp đồng với đơn vị có đủ năng lực năng chuyên môn làm. Lúc này, phòng vật tư có trách nhiệm giám sát toàn bộ công việc, quy trình. Khi kết thúc việc vệ sinh có bàn giao, kí kết giám sát hoàn thành nhiệm vụ và chất lượng đảm bảo. Lúc này, bác sĩ bật máy, theo dõi 3 thông số đạt là có thể sử dụng.
TS Dũng cũng cho hay, việc vệ sinh đường ống là diễn ra đình kỳ. Còn việc thực hiện các xét nghiệm đánh giá là độc lập với việc vệ sinh đường ống.
Trước câu hỏi: Sau khi vệ sinh đường ống thì việc kiểm tra đánh giá chất fluoride tồn dư có phải là bắt buộc hay không?
Giải thích về vấn đề này, TS Dũng cho hay: Chúng ta nên nhớ, đã có quy định rất rõ ràng là không được phép sử dụng chất fluoride trong tẩy rửa hệ thống nước trong y tế. Nếu không sử dụng hóa chất này thì tất nhiên sẽ không có chuyện fluoride trong nước vượt ngưỡng cho phép.
TS Dũng cho biết, để phát hiện liệu có fluoride tồn dư không thì phải làm xét nghiệm thử 23 thông số. Nhưng để thử 23 thông số này ít nhất 10 ngày mới có kết quả.
TS Dũng cũng chia sẻ, khi biết sự việc xảy ra ở Hòa Bình, bản thân ông lo lắng, choáng váng bởi quy trình chuẩn chạy thận Việt Nam đã làm 42 năm nay chưa từng gặp tình huống này.
Video: Bác sĩ Hoàng Công Lương bị bắt - Bộ Y tế đề nghị xem xét cho tại ngoại
Sau khi biết thông tin sự cố, nhiều bác sĩ đã nhận định đến việc có một chất độc trong hệ thống nước lọc là căn nguyên gây ra tình trạng này. Đến khi cơ quan công an cho biết tìm thấy chất fluoride trong hệ thống nước lọc RO đã minh chứng cho nhận định là hoàn toàn chính xác.
“Tôi khẳng định lại, hóa chất để khử khuẩn, làm sạch đường ống không được phép sử dụng fluoride. Mọi chất đưa vào y tế đều phải được phép, thậm chí kiểm tra nồng độ mới đảm bảo vệ sinh đạt hiệu quả hay không”, TS Dũng nói.
Vì thế, mấu chốt vấn đề là kiểm soát chất được đưa vào vệ sinh đường ống. “Không có chất fluoride không bao giờ xảy ra tình huống này”, TS Dũng nói.
Theo GS Bình, khi trực tiếp hỗ trợ BV Đa khoa Hòa Bình cấp cứu bệnh nhân, ông đánh giá rất cao trách nhiệm của các bác sĩ trong việc cấp cứu bệnh nhân. “Họ lập tức điều trị thải độc cho bệnh nhân sau khi phát hiện tai biến bất thường. Tuy nhiên đây là hóa chất quá độc nên nhiều bệnh nhân đã không thể qua khỏi", GS Bình nói.
Trước đó, khoảng 8 giờ ngày 29/5, tại Đơn nguyên Thận nhân tạo, BV Đa khoa Hòa Bình, 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo bất ngờ xuất hiện triệu chứng khó thở, huyết áp tụt, đau bụng, nôn, ngứa. Sự cố nghiêm trọng này đã 8 bệnh nhân tử vong. 10 bệnh nhân nhẹ hơn may mắn được cứu sống.
Bình luận