Thông tin trên được Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm nêu tại báo cáo kết thúc điều tra nguyên nhân vụ ngộ độc tại cơ sở bán rong trước cổng trường ở thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn, làm nhiều học sinh nhập viện hôm 9/4.
Kết quả xét nghiệm mẫu nguyên liệu thực phẩm tại nhà bà Bùi Thị Lương (người bán hàng rong) cho thấy mẫu rong biển cơm cuộn nhiễm khuẩn Staphylococcus aureus và chủng sinh nội độc tố Staphylococcal enterotoxin; các mẫu nguyên liệu khác và mẫu bàn tay người chế biến thức ăn đều không phát hiện vi khuẩn.
Ngoài ra, kết quả xét nghiệm 9 mẫu bệnh phẩm (mẫu phân) của bệnh nhân điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn phát hiện 7 mẫu dương tính với vi khuẩn Staphylococcus aureus.
Tại thời điểm điều tra, cơ sở bà Bùi Thị Lương không còn mẫu thức ăn đã chế biến nên đội điều tra không lấy được mẫu thức ăn nghi ngờ (cơm nắm, cơm cuộn) của bữa ăn gây ngộ độc thực phẩm. Do đó không đủ cơ sở khoa học để xác định cụ thể thức ăn nào là thức ăn nguyên nhân gây ngộ độc mà chỉ có thể nhận định nguyên nhân ngộ độc là từ cơm nắm và cơm cuộn.
Trước đó, chiều 9/4, có 74 người bị ngộ độc sau khi ăn cơm nắm, cơm cuộn bán hàng rong ở thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn. Trong số này có 37 học sinh Trường tiểu học thị trấn Tô Hạp, 15 học sinh Trường THCS Tô Hạp và 22 người dân.
Thời điểm nhập viện, các ca bệnh đều có triệu chứng lâm sàng: Đau bụng, đi cầu phân lỏng nhiều lần, buồn nôn, nôn... được chuẩn đoán nhiễm trùng đường ruột, nhiễm trùng tiêu hóa, nhiễm độc thức ăn do vi khuẩn sau khi ăn cơm cuộn, cơm nắm từ bà Bùi Thị Lương.
Bà Lương cho hay, hằng ngày, bà chế biến sẵn món ăn cơm cuộn và cơm nắm tại nhà rồi bảo quản trong thùng xốp và đem bán gần Trường THCS Tô Hạp. Sáng 9/4, bà Lương đã bán hết 114 suất cơm nắm và 28 suất cơm cuộn, không để thừa lại.
Các món này được chế biến từ 11 mẫu nguyên liệu thực phẩm gồm củ cải muối, xúc xích, rong biển cơm nắm, rong biển cơm cuộn, tương ớt, tương cà, cà rốt, dưa leo, xốt mayonaise, dầu mè, thanh cua.
Đây là một trong nhiều vụ ngộ độc tại Khánh Hòa vài tháng qua. Đầu tháng 4, đã có 37 học sinh ( phường Vĩnh Trường, TP Nha Trang) ngộ độc sau khi ăn sáng với cơm gà, sushi, đồ ăn nhanh... Nguyên nhân gây ngộ độc đến nay chưa được xác định.
Tương tự 12 học sinh trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (TP Nha Trang) bị ngộ độc do ăn cơm, mì nui gà hồi cuối tháng 3, song không thể xác định cụ thể món gây độc.
Ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Staphylococcus aureus (tụ cầu) là ngộ độc hay gặp nhất. Vi khuẩn có thể nhiễm từ thịt nguội, tôm, cá, trứng chưa được nấu chín, bơ, sữa, bánh kem hoặc từ bàn tay, da của người chế biến thức ăn.
Bệnh phát sau khi ăn khoảng từ 1-6 giờ, tùy thuộc vào lượng độc tố có trong thức ăn. Triệu chứng lâm sàng của bệnh thường là lợm giọng, bụng quặn đau, nôn mửa dữ dội, tiêu chảy, mệt mỏi rã rời, có người bị nhức đầu, ra mồ hôi, co giật cơ, huyết áp hạ, mạch yếu... nguy cơ gây tử vong đối với các bệnh nhân là trẻ em bị duy dinh dưỡng, người già mắc bệnh mãn tính kèm theo.
Bình luận