• Zalo

7 người chết khi chạy thận ở Hoà Bình: Đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn Bộ Y tế

Thời sựThứ Ba, 30/05/2017 13:35:00 +07:00Google News

Đại biểu Quốc hội cho biết sẽ chất vấn lãnh đạo Bộ Y tế sau sự cố 7 người chết khi chạy thận ở Hoà Bình.

Video: 7 người chết khi chạy thận ở Hoà Bình, Bộ Y tế lên tiếng

Trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng 30/5, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết đã nắm thông tin sự cố y khoa hết sức nghiêm trọng khiến 7 người chết sau khi chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện đa khoa Hoà Bình.

Hinh anh 7 nguoi chet khi chay than o Hoa Binh: Dai bieu Quoc hoi se chat van Bo Y te

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng hiện tại cần phải tích cực điều tra để tìm ra nguyên nhân chính xác vụ việc. Việc sốc phản vệ có thể xảy ra trên thế giới và cả ở Việt Nam. 

Sốc phản vệ là tình trạng cơ thể phản ứng lại tác nhân từ bên ngoài đưa vào. Nguy hiểm nhất khi tụt huyết áp và một loạt các phản ứng khác dẫn tới quá sức chịu đựng của cơ thể và khi không được cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.

Tuy nhiên, bà Lan cho rằng việc xảy ra với nhiều người như trường hợp ở Hoà Bình thì chắc chắn có vấn đề về xử lý hệ thống 

"Tôi có trao đổi với 1 số bệnh viện, ở đây 18 người cùng bị 1 lúc là chưa từng có xảy ra. Không thể rủi ro cùng lúc từng đó người. Không lọai trừ khả năng nước, vệ sinh ống, hệ thống, các hóa chất kháng khuẩn có vấn đề", bà Lan phỏng đoán.

Vị Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng cho rằng rất khó đưa ra nguyên nhân cụ thể trong thời điểm này vì mỗi người thuốc khác nhau, mỗi người 1 bệnh khác nhau.

Bên cạnh đó, hiện nay, các bệnh viện ở thành phố lớn, các bệnh viện ở các quận cũng đã có điều kiện chạy thận. Việc chạy thận đã cứu được rất nhiều người và duy trì được sự sống của các bệnh nhân.

"Không ai muốn rủi ro đó xảy ra, nhưng khi rủi ro đó xảy ra rồi thì chắc xem lại đã đành và thêm bảo hiểm cho người bệnh và bác sĩ thế nào", đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nói.

Video: Nguyên nhân 7 người chết khi chạy thận ở Hoà Bình có thể không phải do sốc phản vệ

Bà Lan cho biết vấn đề này đã được bà đề xuất với Uỷ ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội để giám sát.

"Cái này cũng có đề xuất với lãnh đạo Uỷ ban các vấn đề Xã hội. Tuy nhiên tất cả cũng đang chờ đợi báo cáo chính thức từ Bộ Y tế. Tôi nghĩ đây cũng là vấn đề sẽ được nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ Y tế. Nhiều đại biểu cũng đề nghị chất vấn Bộ Y tế vì cũng lâu rồi chưa chất vấn, để xem biện pháp căn cơ như thế nào", đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nói.

Bà Lan cho rằng việc rủi ro trong điều trị có thể xảy ra nhưng phải quản lý và phải phản ứng kịp thời trong việc cấp cứu cho bệnh nhân.

"Xảy ra việc này là quá đau lòng", đại biểu Lan bày tỏ.

Tại buổi họp báo sáng 30/5, Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình Trần Duy Khánh nhận định: "Đây là sự cố nghiêm trọng. Khoảng 100 bệnh nhân còn lại đang có nhu cầu chạy thận chúng tôi sẽ chuyển về Bệnh viện Bạch Mai và một số bệnh viện khác ở Hà Nội. Những bệnh nhân không đi được thì đưa về Bệnh viện Đa khoa Thành phố.

Tại đây có 10 máy thì sẽ chạy khoảng 24 bệnh nhân. Chúng tôi sẽ sớm thành lập hội đồng chuyên môn để truy tìm nguyên nhân. Bộ Công an đã vào cuộc nên chúng tôi sẽ làm nhanh nhất để khôi phục khoa Thận nhân tạo".

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Giám đốc Sở Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình phối hợp chặt chẽ với bệnh viện Bạch Mai để cấp cứu, chữa trị cho các bệnh nhân còn sống. Tổ chức đảm bảo an toàn cho người khám chữa bệnh, đồng thời thăm hỏi động viên gia đình nạn nhân. 

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn