• Zalo

6 nguyên tắc kiểm soát lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ trong cơ sở y tế

Tin tứcChủ Nhật, 28/08/2022 14:17:10 +07:00Google News
(VTC News) -

Bộ Y tế đưa ra 6 nguyên tắc dự phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh trong Hướng dẫn phòng ngừa lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ tại cơ sở khám, chữa bệnh.

Theo Bộ Y tế, tính đến 21/8, nước ta chưa ghi nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, trước tình hình mở cửa đón khách du lịch và các đối tác kinh tế trở lại sau khi dịch COVID-19 được khống chế, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ tiềm ẩn dịch đậu mùa khỉ xâm nhập trong cộng đồng và các cơ sở khám bệnh chữa bệnh. Trên thế giới cũng đã ghi nhận lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ tại cơ sở y tế.

6 nguyên tắc kiểm soát lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ trong cơ sở y tế - 1

Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ tiềm ẩn dịch đậu mùa khỉ xâm nhập trong cộng đồng và các cơ sở khám bệnh chữa bệnh. (Ảnh minh họa)

Bộ Y tế đưa ra 6 nguyên tắc dự phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ trong cơ sở khám chữa bệnh:

  • Tăng cường tuân thủ thực hành phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn trong cơ sở khám, chữa bệnh.
  • Áp dụng phòng ngừa lây nhiễm qua "tiếp xúc" và "giọt bắn" khi chăm sóc các trường hợp bệnh xác định và bệnh nghi ngờ.
  • Trong trường hợp có các thủ thuật tạo khí dung, bắt buộc áp dụng thêm các biện pháp dự phòng qua "không khí".
  • Điều tra, truy vết, xác định người tiếp xúc gần nhằm theo dõi, quản lý và tư vấn cách tự theo dõi sức khỏe theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
  • Quản lý người nhà người bệnh và khách thăm có liên quan đến đâu mùa khỉ.
  • Sàng lọc người nhiễm, nghi ngờ nhiễm bệnh đậu mùa khỉ.

Bộ Y tế hướng dẫn cơ sở khám chữa bệnh triển khai sàng lọc người bệnh nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh đậu mùa khỉ khi có tại địa phương có thông báo ca bệnh đậu mùa khỉ trong cộng đồng hoặc cơ sở khám chữa bệnh.

Các cơ sở khám, chữa bệnh đặt biển báo tại cổng vào của cơ sở khám chữa bệnh để người bệnh có thể nhận biết ngay hướng đi tới khu sàng lọc. Một số nội dung cần được ghi rõ trong biển báo: yếu tố dịch tễ (tiếp xúc với động vật, người nghi ngờ hoặc xác định nhiễm đậu mùa khỉ, đậu mùa hoặc tiếp xúc với đồ dùng/vật dụng của họ) và dấu hiệu, triệu chứng lâm sàng của bệnh đậu mùa khỉ.

Khu vực sàng lọc cần được bố trí tại đơn vị khám bệnh và cấp cứu. Với những cơ sở khám chữa bệnh không có điều kiện bố trí khu sàng lọc trong nhà có thể thiết lập khu vực sàng lọc ngoài trời. Nhân viên y tế thực hiện sàng lọc mang phương tiện phòng hộ phù hợp (khẩu trang y tế, mũ giấy, áo choàng phòng dịch và găng tay y tế).

Bộ Y tế lưu ý khi khám sàng lọc cần khai thác tiền sử dịch tễ, các dấu hiệu triệu chứng của bệnh. Nội dung câu hỏi sàng lọc cần cập nhật phù hợp với diễn biến tình hình bệnh dịch; yêu cầu người bệnh mang khẩu trang y tế nếu tình trạng người bệnh cho phép. Ngoài ra, các cơ sở khám, chữa bệnh cách ly người bệnh xác định nhiễm hoặc ca bệnh nghi ngờ tại Khoa Truyền nhiễm hoặc khu cách ly của cơ sở khám chữa bệnh.

Các đơn vị lâm sàng của cơ sở khám chữa bệnh bố trí sẵn sàng một buồng cách ly để sử dụng khi phát hiện người bệnh nội trú nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh đậu mùa khỉ hoặc để điều trị người bệnh đậu mùa khỉ vừa hoặc nhẹ kèm theo bệnh chuyên khoa mà không thể chuyển về đơn vị riêng điều trị đậu mùa khỉ của cơ sở khám chữa bệnh. Tùy theo tình hình bệnh dịch, có thể tăng số buồng cách ly cho đậu mùa khỉ tại đơn vị lâm sàng.

Bộ Y tế lưu ý, buồng cách ly người bệnh phải được dán biển cảnh báo "Buồng cách ly" và nêu rõ các biện pháp cách ly cần áp dụng, giường bệnh cách nhau tối thiểu 1 mét. Hạn chế vận chuyển người bệnh ra ngoài khu cách ly...

Thanh Hải
Bình luận
vtcnews.vn