Chủ tịch Rheinmetall, ông Armin Papperger ngày 11/4 cho biết, công ty này đang chuẩn bị gửi khoảng 50 chiếc xe tăng Leopard-1 đã loại biên tới Ukraine. Lô đầu tiên có thể được gửi đi trong vòng 6 tuần. Tuy nhiên ông Papperger cũng nhấn mạnh, thỏa thuận này cần phải được chính phủ Đức phê duyệt.
Theo ông Papperger, các xe tăng có thể được gửi tới Ukraine hiện nằm trong kho khí tài đã loại biên mà các binh chủng của Đức trả lại cho nhà sản xuất ban đầu. Tình trạng của những chiếc xe tăng này đang được kiểm tra.
Chính phủ Ukraine đã nhiều lần đề nghị các đồng minh phương Tây cung cấp xe tăng và vũ khí hạng nặng để đối phó với chiến dịch của Nga.
Ngày 11/4, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock ám chỉ rằng Berlin sẽ lưu ý tới lời kêu gọi của Kiev. Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck từ chối tiết lộ việc chính phủ Đức có cho phép chuyển xe tăng tới Ukraine hay không.
“Chúng tôi đã nhất trí sẽ không tiết lộ thông tin cụ thể về các lô vũ khí được gửi đi, loại vũ khí cũng như lộ trình vận chuyển”, ông Habeck nói.
Tuy nhiên, ông cũng nói rằng có thể sẽ có thêm các đợt chuyển vũ khí tới Ukraine vì Đức đã cam kết hỗ trợ vũ khí cho Kiev.
Ngoài xe tăng Leopard, Rheinmetall cũng đã chuẩn bị để gửi khoảng 50-60 xe chiến đấu bộ binh Marder đã loại biên cho Ukraine. Cùng với xe tăng Leopard, xe chiến đấu bộ binh Marder có thể được gửi trực tiếp từ kho của Rheinmetall chứ không phải từ quân đội Đức.
Tuy nhiên, một số chính trị gia thuộc liên minh cầm quyền tại Đức đặt câu hỏi liệu xe tăng và xe quân sự của Đức có hữu ích với Ukraine hay không, bởi phần lớn binh sỹ Ukraine đều quen sử dụng các loại khí tài do Liên Xô sản xuất.
Ông Marcus Faber, người phát ngôn vấn đề quốc phòng của đảng Dân chủ tự do (FDP) trong Quốc hội Đức cho rằng, bất cứ binh sỹ nào cũng cần phải được huấn luyện kỹ càng mới có thể vận hành Leopard-1.
Chuyên gia quân sự Nga Viktor Litovkin cũng nhận định, phải mất ít nhất vài tuần để huấn luyện binh sỹ Ukraine sử dụng các khí tài của Đức. Hơn nữa, ông cũng chỉ ra rằng Ukraine có thể dự đoán được những khó khăn về hậu cần, đạn dược đối với các loại vũ khí không được sản xuất ở Ukraine.
Rheinmetall cũng thừa nhận vẫn còn một câu hỏi lớn về việc Ukraine sẽ lấy đạn dược từ đâu nếu sử dụng các khí tài của Đức. Hiện hầu hết các nước đều đã loại biên xe tăng Leopard-1 và chỉ còn 1 số nước vẫn sử dụng trong đó có Brazil.
Bình luận