Bắp cải là loại rau quốc dân được nhiều người yêu thích, tuy nhiên không phải ai cũng có thể ăn bắp cải. Dưới đây là những nhóm người được khuyến cáo không nên ăn bắp cải.
Thành phần dinh dưỡng và tác dụng của rau bắp cải
Báo Dân trí dẫn nguồn Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế), cho biết, bắp cải là nguồn thực phẩm chứa nhiều các chất dinh dưỡng như các vitamin C, E, K, folate, magie, mangan và một số carotenoid (lutein, zeaxanthin và beta-carotene). Hàm lượng chất xơ và chất chống oxy hóa trong bắp cải cũng vô cùng dồi dào.
Bắp cải bổ sung các chất dinh dưỡng thiết yếu nên nhờ đó mà mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe. Có thể kể đến là giảm huyết áp, cải thiện tiêu hóa, giảm viêm, giữ cho tim khỏe mạnh, tăng cường hệ thống miễn dịch, ngăn ngừa ung thư.
Dưới đây là những tác dụng của bắp cải với sức khỏe đã được chứng minh:
Bảo vệ cơ thể khi xạ trị
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Vinmec cho biết, hợp chất 3,3′-diindolylmethane (DIM) có trong bắp cải đã được chứng minh là làm tăng tỷ lệ sống sót ngắn hạn trong một số nghiên cứu trên động vật về bức xạ.
Trong một nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Georgetown, những con chuột được tiêm một liều phóng xạ gây chết người. Một số không được điều trị và những con chuột khác được điều trị bằng tiêm DIM hàng ngày trong 2 tuần.
Tất cả những con chuột không được điều trị đều chết, nhưng hơn 50% số chuột nhận được DIM vẫn sống sau 30 ngày.
Họ có thể xác định rằng những con chuột được điều trị bằng DIM có số lượng tế bào hồng cầu và bạch cầu và tiểu cầu trong máu cao hơn, điều mà xạ trị thường làm giảm đi.
Người ta cho rằng DIM có tác dụng bảo vệ chống lại ung thư, do đó, nghiên cứu này cho thấy có hy vọng cho người mắc bệnh ung thư được chỉ định phác đồ có DIM trong tương lai như một lá chắn sinh học để bảo vệ các mô khỏe mạnh trong quá trình điều trị bệnh ung thư.
Phòng chống ung thư
Ngoài ra, các nhà khoa học còn phát hiện sulforaphane, đây cũng là một hợp chất chống ung thư tiềm năng khác được tìm thấy trong bắp cải lá. Nghiên cứu trong 30 năm qua chỉ ra rằng, tiêu thụ các loại rau họ cải có liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư.
Gần đây hơn, các nhà nghiên cứu đã có thể xác định rằng, hợp chất chứa lưu huỳnh khiến cho các loại rau họ cải có vị đắng có tên là sulforaphane cũng là chất dường như mang lại tác dụng chống ung thư.
Ở cấp độ phân tử, các nhà nghiên cứu phát hiện tác dụng của sulforaphane bao gồm khả năng trì hoãn hoặc ngăn chặn ung thư với nhiều loại ung thư khác nhau, bao gồm khối u ác tính, thực quản, tuyến tiền liệt và tuyến tụy.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, sulforaphane có khả năng ức chế enzym histone deacetylase (HDAC) có hại, được biết đến có liên quan đến sự tiến triển của tế bào ung thư. Khả năng ngăn chặn các enzym HDAC có thể làm cho thực phẩm chứa sulforaphane trở thành nhân tố tiềm năng trong phác đồ điều trị ung thư.
Một nghiên cứu khác, được thực hiện tại Đại học Missouri, đã xem xét một hóa chất khác được tìm thấy trong bắp cải, mùi tây và cần tây, được gọi là apigenin. Nó được phát hiện làm giảm kích thước khối u khi các tế bào ung thư vú được cấy vào chuột. Các nhà nghiên cứu tuyên bố phát hiện của họ cho thấy apigenin có tiềm năng được sử dụng như một phương pháp điều trị ung thư không độc hại trong tương lai.
Bắp cải đỏ có chứa chất chống oxy hóa mạnh anthocyanin, đây là hợp chất mang lại màu sắc rực rỡ cho các loại rau quả màu đỏ và tím khác. Trong phòng thí nghiệm, anthocyanin đã được chứng minh làm chậm sự tăng sinh tế bào ung thư, tiêu diệt các tế bào ung thư đã hình thành và ngăn chặn hình thành các khối u mới. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để xác định liệu những tác dụng này có được chuyển sang phòng ngừa hoặc điều trị ung thư trên người hay không.
Những người không nên ăn rau bắp cải
Rau bắp cải tuy mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng có thể ăn được. Dưới đây là những người được khuyến cáo không nên ăn rau bắp cải.
Người bị bướu cổ
Bắp cải là loại rau chứa nhiều dinh dưỡng, trong đó chứa cả goitrin - chất tác dụng chống ôxy hóa nhưng lại có thể gây bướu cổ. Chính vì vậy, lời khuyên của các chuyên gia y tế là người bị rối loạn tuyến giáp hoặc bướu cổ không nên ăn bắp cải vì nếu không sẽ làm tuyến giáp hoặc bướu cổ phù to ra.
Nếu vẫn muốn ăn, nhóm người này chỉ ăn bắp cải số lượng nhỏ, khoảng 2 bữa mỗi tuần là an toàn. Nên ngâm rửa từng lá và thái nhỏ, để khoảng 10-15 phút rồi mới chế biến để goitrin bị phân hủy hết.
Người hệ tiêu hóa kém
Ưu điểm của bắp cải là chứa nhiều chất xơ, hỗ trợ nhuận tràng, ngừa táo bón... Tuy nhiên người đang tiêu chảy nếu ăn nhiều loại rau này có thể khiến tình trạng thêm trầm trọng, khó điều trị hơn.
Ngoài ra, rau bắp cải dễ sinh khí, có thể gây đầy bụng nếu ăn sống vì vậy những người bị đau dạ dày, hay bị chướng bụng, đầy hơi nên hạn chế ăn bắp cải sống, tốt nhất nên làm chín trước khi ăn.
Người bị bệnh thận
Theo nghiên cứu, bắp cải là loại rau chứa khá nhiều axit oxalic. Khi được tiêu thụ quá nhiều, lượng axit oxalic này có thể kết hợp với các chất dinh dưỡng cần thiết bên trong cơ thể như canxi, mangiê, sắt, kali... tạo thành các muối oxalat.
Oxalat calci có thể lắng đọng ở thận, có thể làm tăng khả năng hình thành sỏi ở thận, gây ra sỏi thận. Chính vì vậy những người đang bị suy thận nặng, phải chạy thận nhân tạo không nên dùng bắp cải. Người có tiền sử sỏi thận nên hỏi ý kiến bác sĩ về liều lượng ăn bắp cải phù hợp.
Với người khỏe mạnh, khi ăn bắp cải nên cắt nhỏ và nấu kỹ để giảm thiểu lượng axit oxalic trong loại rau này.
Người tạng hàn
Theo Đông y, bắp cải có tính hàn, do vậy những ai yếu người, lạnh tay chân hay gặp các vấn đề liên quan đến phong hàn không nên ăn bắp cải vì sẽ làm bệnh nặng hơn. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn muốn ăn bắp cải thì có thể cho thêm một nhánh gừng đập dập và luộc cùng bắp cải sẽ khiến trung hòa bớt tính hàn có trong bắp cải.
Bình luận