3 nhóm người cần hạn chế đi bộ
Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga - Bộ Quốc phòng, đi bộ là một trong những hình thức vận động nhẹ nhàng, vận động đúng cách sẽ giúp cải thiện sức khỏe. Tuy nhiên, một số nhóm người cần lưu ý hạn chế đi bộ.
- Nhóm người có vấn đề nghiêm trọng về tim mạch, bệnh hô hấp hoặc chấn thương cơ xương khớp có thể cần hạn chế đi bộ để tránh làm tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.
- Nhóm phụ nữ mang thai gặp biến chứng hoặc mang thai có nguy cơ cao nên tham khảo ý kiến của nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trước khi đi bộ kéo dài hoặc vất vả.
- Ngoài ra, nhóm người bị suy giảm khả năng thăng bằng hoặc vận động, chẳng hạn như chóng mặt hoặc viêm khớp nặng, nên thận trọng để tránh té ngã hoặc chấn thương.
Chuyên gia lưu ý, những người có vấn đề về sức khỏe phải tham khảo ý kiến chuyên gia chăm sóc sức khỏe trước khi bắt đầu, hoặc sửa đổi bất kỳ thói quen tập thể dục nào, bao gồm cả đi bộ.
Người khỏe mạnh nên đi bộ từ 3 km
Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, người làm việc văn phòng có nguy cơ mắc bệnh xương khớp, đau lưng, dễ stress, căng thẳng và việc duy trì thói quen đi bộ 30 phút mỗi ngày giúp họ cải thiện sức khỏe, phát triển cơ bắp và hỗ trợ giảm cân hiệu quả.
Bạn nên bắt đầu đi bộ với tốc độ vừa phải, sau đó tăng dần tốc độ. Uống nhiều nước trước và sau khi đi bộ để ngăn ngừa mất nước.
Theo khuyến cáo, mỗi người nên tập thể dục với cường độ vừa phải, ít nhất 150 phút mỗi tuần. Những người khỏe mạnh nên đi bộ từ 3 km trở lên mỗi ngày để duy trì sức khỏe. Khi đã làm quen, bạn có thể tăng cường độ tập luyện lên để tăng cường sự dẻo dai. Bạn có thể nghe nhạc, thay đổi cung đường đi bộ hoặc rủ thêm người đi cùng để có thêm động lực, không bị bỏ cuộc giữa chừng.
Lưu ý, vào mùa đông, bạn nên hạn chế ra ngoài vào sáng sớm và tập luyện trong thời tiết lạnh. Bạn nên khởi động kỹ trước khi tập để làm ấm cơ thể, thư giãn cơ xương khớp để tránh bị chuột rút, chấn thương.
Bình luận