Dạy con làm việc nhà là cách tuyệt vời để dạy trẻ các kỹ năng sống, biết cách chia sẻ và có tinh thần trách nhiệm ngay từ khi còn nhỏ. Vậy làm thế nào để dạy con làm việc nhà?
Cho trẻ được lựa chọn
Bạn hãy cho con được lựa chọn việc nhà chúng muốn làm, hỏi và lắng nghe ý kiến xem trẻ thích làm việc nhà nào nhất. Bạn có thể hỏi: “Con thích làm công việc nhà nào? Con muốn dọn bàn ăn hay cho bát đĩa vào máy rửa bát?”. Bằng cách này, trẻ sẽ thấy rằng mình được chọn làm việc nhà chứ không phải bị ép buộc. Nhưng hãy nhớ, bố mẹ vẫn có quyền quyết định cuối cùng và có thể giao việc nhà dù trẻ không muốn làm.
Hoặc cách khác là hãy tạo cho trẻ sự bất ngờ. Nếu nhà bạn có hai hoặc ba đứa con thì tại sao không tạo những chiếc thẻ bằng giấy trên đó có ghi các công việc nhà khác nhau để trẻ bốc thăm và tự chọn lấy công việc nhà sẽ làm. Thậm chí, có thể tạo cả một chiếc thẻ may mắn trên đó có ghi “Hôm nay là ngày nghỉ của con”.
Điều này sẽ khiến trẻ thấy rằng mình được lựa chọn làm việc nhà mà chúng muốn và còn thích thú hơn khi nhìn thấy anh/chị/em của mình làm việc nhà trong khi mình được nghỉ một ngày. Cách làm này sẽ mang lại nhiều niềm vui và sự phấn khích cho trẻ dù phải làm việc nhà giúp bố mẹ.
Giao việc phù hợp với độ tuổi
Với trẻ nhỏ 3 – 4 tuổi, bạn đã có thể giao việc nhà, chẳng hạn như tự cất quần áo của mình, vứt khăn giấy hay lau bàn sau bữa ăn, tắt đèn trước khi đi ngủ. Bố mẹ nên nhớ rằng mục tiêu giao việc nhà là để xây dựng thói quen, tính trách nhiệm cho trẻ chứ không phải yêu cầu trẻ phải lau bàn sạch sẽ, gấp quần áo gọn gàng vì trẻ còn nhỏ và mới làm việc nhà.
Khi trẻ lớn hơn thì có thể nhờ trẻ làm nhiều việc hơn. Đó là những công việc mất nhiều thời gian hơn một chút, đòi hỏi nhiều nỗ lực và phức tạp hơn như sắp xếp, dọn dẹp bàn ăn; phân loại hoặc gấp quần áo, rửa bát, quét nhà hoặc đổ rác.
Hãy để trẻ đổ mồ hôi
Nhiều bố mẹ luôn muốn chăm sóc con mình theo kiểu “nâng như nâng trứng”, không muốn trẻ phải chịu khổ, đổ mồ hôi nước mắt. Tuy nhiên, hãy để cho trẻ đồ mồ hôi, giúp đỡ bố mẹ những công việc nhà và sau đó tăng dần mức độ khó trong những công việc nhà.
Ví dụ, hãy bảo trẻ cùng bạn dọn dẹp chuồng của chó mèo, khi trẻ đã thành thạo việc này thì hãy để một mình phụ trách việc dọn dẹp và cũng là người cho chó mèo ăn mỗi ngày. Đây chỉ là một công việc nhà nhỏ bé nhưng sẽ giúp con bạn tự tin hơn, thấy mình có khả năng và có tinh thần trách nhiệm hơn.
Tạo cuộc thi nhỏ
Trẻ em thích những cuộc cạnh tranh lành mạnh và nếu bạn thêm điều này vào công việc nhà sẽ khiến trẻ vui vẻ, thích thú khi giúp đỡ bố mẹ. Tại sao không thử đặt hẹn giờ và trao giải thưởng cho đứa trẻ nào dọn dẹp phòng xong trước? Hoặc bạn có thể mở cuộc thi nhỏ xem ai chăm sóc thú cưng tốt nhất. Cho trẻ và anh/chị/em của chúng luân phiên chăm sóc thú cưng theo tuần, sau đó đánh giá xem ai làm công việc tốt nhất vào cuối tháng.
Khen thưởng nếu làm tốt
Bạn có thể lập ra một hệ thống khen thưởng khi trẻ làm tốt các công việc nhà, ví dụ như mỗi khi trẻ hoàn thành tốt một công việc thì sẽ được đánh giá tương đương với một ngôi sao.Và khi trẻ đạt được 10 ngôi sao thì bố mẹ có thể thưởng cho chúng bằng nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như cho trẻ đi xem phim hay đưa đi ăn kem.
Khuyến khích, động viên là một cách tuyệt vời để khiến trẻ vui vẻ và chịu đựng những thử thách hoặc những việc mình không muốn như phải làm việc nhà. Trẻ sẽ học được rằng, trong cuộc sống có thể mình không thích tất cả những thứ phải làm nhưng nếu kiên trì thì cuối ngày sẽ có phần thưởng xứng đáng.
Trả một chút tiền nhỏ
Tại sao bạn không thử trả một chút tiền công nhỏ khi nhờ trẻ làm việc nhà để khuyến khích trẻ. Điều này có nghĩa là trẻ tình nguyện giúp đỡ bố mẹ để kiếm thêm thu nhập cho con heo đất của mình. Bạn không cần phải trả nhiều tiền mà với trẻ em, ngay cả một số tiền nhỏ cũng khiến trẻ thấy thích thú rồi.
Trẻ sẽ thấy được phản hồi từ bố mẹ và phần thưởng cho những việc mình đã làm. Và đây cũng là dịp để dạy trẻ về những gì xảy ra trong thế giới rộng lớn ngoài kia, nơi mà trẻ muốn nhận được một điều gì đó thì phải bỏ công ra làm việc.
Đối phó khi trẻ trì hoãn
Khi có nhiều sự phân tâm như mải nghịch đồ chơi, xem phim hoạt hình thì trẻ sẽ trì hoãn và không chịu làm việc nhà. Lúc này, bố mẹ hãy chấm dứt bất cứ điều khiến trẻ mất tập trung, không chịu làm việc nhà ngay lập tức. Có thể tắt điện thoại hoặc lấy đi trò chơi mà trẻ đang chơi và chỉ đồng ý trả lại sau khi trẻ đã hoàn thành công việc nhà.
Điều này có thể khiến con bạn bĩu môi, giận dỗi lúc ban đầu nhưng dần dần chúng sẽ hiểu ra. Điều này sẽ thúc đẩy trẻ hoàn thành những việc cần phải làm để có thể làm những gì mà mình muốn làm.
Không dùng việc nhà như hình phạt
Cha mẹ nên tránh dùng công việc nhà như một hình phạt cho hành vi xấu hoặc điểm kém của trẻ. Bằng cách này, trẻ sẽ mãi mãi liên hệ việc nhà với một điều gì đó tiêu cực, trái ngược với mong muốn của bố mẹ rằng trẻ làm việc nhà là cách để chúng học các kỹ năng sống cần thiết, học về tinh thần trách nhiệm.
Thay vào đó, bố mẹ hãy khuyến khích và khen ngợi trẻ khi chúng giúp đỡ việc nhà sẽ giúp con bạn nhìn nhận việc nhà theo hướng tích cực. Việc trừng phạt trẻ bằng cách bắt chúng làm việc nhà sẽ khơi dậy trong con bạn sự căm ghét sâu sắc đối với công việc nhà và suy nghĩ này thậm chí sẽ kéo dài đến những năm tháng trưởng thành của trẻ.
Hãy làm việc cùng nhau
Hãy giao việc nhà cho tất cả các thành viên trong gia đình, giảm bớt sự phản kháng bằng cách nói rõ với tất cả rằng: “Mọi người đều phải tham gia làm việc nhà”. Như thế, trẻ thấy rằng những người khác đều làm việc nhà thì mình cũng phải làm. Thêm vào đó, để trẻ cùng làm việc nhà với các thành viên gia đình sẽ khiến trẻ thấy việc nhà vui hơn rất nhiều.
Trẻ sẽ cảm nhận được tình cảm thân thiết khi làm việc cùng bố mẹ hay anh chị em và là cơ hội tuyệt vời để hỏi han về một ngày của trẻ, nghe những tâm tư của trẻ hoặc bạn kể cho trẻ câu chuyện, chủ đề nào đó khiến chúng mê mẩn. Hãy nhớ rằng, trẻ coi trọng những điều bạn nói với chúng và chúng sẽ luôn nhớ mãi. Chẳng hạn như mẹ đã từng kể cho trẻ nghe về những điều mẹ đã làm ở công ty khi cùng nhau dọn dẹp phòng khách hoặc rửa bát.
Làm việc nhà thật vui vẻ
Làm việc nhà không cần thiết phải nhàm chán mà nên là niềm vui với trẻ. Bạn có thể bật nhạc trong khi làm việc nhà, mọi người vừa làm việc vừa hát vui vẻ để trẻ thêm hứng thú làm việc chứ không phải bị bắt buộc. Việc giặt là có thể kết hợp thêm những trò chơi như phân loại, ném tất, quần áo vào giỏ. Hoặc nếu bạn cần giúp làm bữa tối, hãy để trẻ làm bếp trưởng và quyết định thực đơn có những món gì, còn những người khác thì sẽ giúp đỡ làm bữa tối.
Bình luận