Lòng biết ơn giúp trẻ biết cảm thông, chia sẻ với mọi người, trân trọng giá trị cuộc sống. Vậy làm thế nào để dạy trẻ về lòng biết ơn?
Làm gương cho trẻ về lòng biết ơn
Trẻ học hỏi tốt nhất thông qua việc bắt chước cha mẹ và còn cách nào tốt hơn là bạn làm gương cho con cái về lòng biết ơn. Cách đơn giản nhất đó là nói “cảm ơn” và “làm ơn” với vợ/chồng và con của bạn thường xuyên nhất có thể. Bên cạnh đó, hàng ngày hãy đề cập đến chủ đề lòng biết ơn, ví dụ như khi đi dạo vào một ngày trời quang đãng, bạn có thể nói với trẻ rằng: “Thật may mắn khi chúng ta được đi dạo trong một ngày nắng đẹp như thế này!”. Điều này cũng dạy trẻ biết ơn những điều đơn giản, đời thường nhất là những thứ thường bị bỏ quên.
Khuyến khích trẻ giúp việc nhà
Bằng cách khuyến khích con bạn giúp đỡ các công việc nhà, chẳng hạn như rửa bát hoặc tưới cây, bạn sẽ tạo ra môi trường để trẻ học về lòng biết ơn. Khi cùng bạn làm những công việc chân tay trong gia đình, trẻ nhận ra rằng mình cũng cần nỗ lực và không nên coi mọi thứ là điều hiển nhiên. Mặt khác, bạn càng làm mọi thứ cho con mình mà không nói cho trẻ biết về những nỗ lực đã bỏ ra thì con bạn càng có nhiều cơ hội coi rằng đó là điều hiển nhiên mà cha mẹ phải làm.
Khuyến khích trẻ giúp đỡ người khác
Một cách khác để dạy trẻ về lòng biết ơn đó là cha mẹ hãy cùng trẻ giúp đỡ những người khác khó khăn hơn mình. Tích trữ những món đồ không dùng đến như sách, đồ chơi, quần áo và quyên góp cho những người cần giúp đỡ là một ví dụ tuyệt vời để thúc đẩy sự rộng lượng, hào phóng ở trẻ. Hãy đưa con bạn đến thăm những người có điều kiện khó khăn để trẻ có cơ hội nhìn thấy thực tế cuộc sống và từ đó trở nên tử tế, tốt bụng với mọi người.
Đưa ra ví dụ cụ thể về lòng biết ơn
Cha mẹ hãy đưa ra ví dụ về những trường hợp thực tế để từ đó trẻ học được cách đánh giá cao về những gì mình nhận được và dần dần bồi dưỡng lòng biết ơn. Ví dụ như bạn có thể chia sẻ cho trẻ tin tốt lành chẳng hạn như: “Hôm nay, bố/mẹ có máy tính mới tại nơi làm việc đấy. Thật may mắn biết bao khi bố/mẹ được thay cái máy tính cũ”.
Khuyến khích trẻ nói lời “cảm ơn”
Nhiều khi, lời cảm ơn chỉ đơn giản là một mảnh giấy với một bông hoa trên đó. Trẻ em thích thể hiện cảm xúc bằng những chữ cái và hình vẽ nhỏ. Hãy khuyến khích con bạn nói lời “cảm ơn” với mọi người bất cứ khi nào họ cần được cảm ơn. Ví dụ, trẻ có thể viết thư cho ai đó đã tặng trẻ một món đồ chơi đáng yêu vào ngày sinh nhật chẳng hạn.
Biết nói “không” với đòi hỏi của trẻ
Hầu hết trẻ em đều muốn có kẹo bánh hay những món đồ chơi, trò chơi điện tử mới nhất trên thị trường và đòi bố mẹ mua cho. Và các bậc phụ huynh thì lại có xu hướng đáp ứng mọi mong muốn của con mình. Một số người còn có thể mua bất cứ thứ gì để trẻ thôi giận dữ, khóc lóc vì đòi món đồ mình muốn có. Thái độ này của cha mẹ sẽ làm ảnh hưởng đến việc nuôi dưỡng lòng biết ơn ở con bạn. Cha mẹ cần thấy rằng, nói “không” nhiều lần với trẻ sẽ khiến việc nói “có” nghe ngọt ngào hơn nhiều. Bằng cách này sẽ giúp dạy trẻ kiên nhẫn chờ đợi thứ mình muốn có và trân trọng, biết ơn về điều đó.
Hãy kiên nhẫn
Cha mẹ phải hiểu rằng, trẻ sẽ không đột nhiên thấm nhuần thói quen về lòng biết ơn. Trẻ có thể mất vài ngày, vài tuần, vài tháng hoặc nhiều năm để dần xây dựng thói quen biết ơn và nhiều khi việc nghe thấy từ “không” của cha mẹ đối với đòi hỏi của mình sẽ khiến trẻ rơi nước mắt. Lúc này, cha mẹ hãy bình tĩnh và giúp trẻ hình thành thói quen về sự cảm kích, biết ơn với những thứ mình nhận được.
Cảm ơn những người đã phục vụ bạn
Hầu hết chúng ta có xu hướng coi công việc do người giúp việc gia đình thực hiện là điều hiển nhiên. Và con cái của chúng ta cũng sẽ làm như vậy. Hãy dạy trẻ về lòng biết ơn ngay từ những điều này. Cha mẹ hãy làm gương cho con cái bằng cách cảm ơn những người đã phục vụ chúng ta. Ví dụ như, người phục vụ xe buýt, người lao công trong trường, người lái xe hoặc người giúp việc ở nhà bạn cần được cảm ơn về những dịch vụ họ đã cung cấp, giúp đỡ bạn. Và cha mẹ phải dạy cho trẻ cần tôn trọng và nói lời cảm ơn với những người như vậy.
Duy trì thói quen biết ơn hàng ngày
Hãy bảo trẻ ghi những điều mà chúng thấy biết ơn hàng ngày vào một cuốn sổ nhỏ. Vào cuối tuần, có thể bảo trẻ đọc to những điều đó lên. Duy trì thói quen này hàng ngày sẽ khuyến khích trẻ suy nghĩ về mọi khía cạnh của cuộc sống và đếm những niềm hạnh phúc, may mắn của mình chứ không phải những bất hạnh, những thứ mình không có.
Ăn mừng sinh nhật với sự biết ơn
Thông thường, sinh nhật được coi là dịp mà trẻ xem như mình đương nhiên sẽ có mọi thứ mình muốn. Cha mẹ hãy tận dụng cơ hội này để dạy trẻ về lòng biết ơn. Hãy tổ chức một ngày sinh nhật vui vẻ và hãy làm cho trẻ hiểu rằng trẻ may mắn thế nào khi có những người yêu thương, chúc mừng trong ngày này. Đồng thời, cha mẹ hãy dạy trẻ gửi lời cảm ơn đến những vị khách đã đến dự tiệc sinh nhật và tặng quà cho trẻ nữa.
Bình luận