• Zalo

10-15 năm nữa, sân bay Long Thành còn có tính cạnh tranh?

Kinh tếThứ Năm, 24/10/2019 19:00:00 +07:00Google News

"Thời gian triển khai dự án lâu như vậy, sân bay Long Thành liệu có còn tính cạnh tranh khi đi vào vận hành không?".

Chiều 24/10, Quốc hội thảo luận về báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 do Chính phủ trình. 

Các đại biểu Đồng Nai, bên cạnh việc đồng tình chủ trương của dự án, vẫn bày tỏ những nỗi lo, băn khoăn về cách thức thực hiện, tính khả thi và hiệu quả của sân bay Long Thành.

Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, đây là dự án thành phần của quy hoạch từ mấy chục năm nay, nên bây giờ không cần bàn đến việc có làm nữa hay không.

duong-trung-quoc_vznq

 Đại biểu Dương Trung Quốc.

"Hàng không dân dụng ngày càng phát huy vai trò của mình. Thị trường phát triển rất lớn, cạnh tranh rất mạnh. Thực tế, những sân bay quan trọng nhất của Việt Nam đều đang quá tải. Do đó, đây là dự án quy hoạch lâu dài nhưng cũng đáp ứng cái trước mắt.

Tuy nhiên, dự án rơi vào thời điểm có sự thay đổi lớn về khoa học công nghệ. Thời gian triển khai dự án lâu như vậy, liệu sân bay Long Thành có bị tác động khi đi vào vận hành không? Ngày hôm nay, công nghệ là cạnh tranh, hiện đại nhất nhưng 10,15 năm nữa thế nào? Rồi cả sự phát triển của thị trường hàng không khu vực, liệu Việt Nam có đóng được vai trò như mong muốn không?

Nói ra không phải để dừng mà nói ra để ta phải lường trước từ khâu lộ trình, thiết kế đến quy hoạch, tiến độ".

duong-trung-quoc_vznq

duong-trung-quoc_vznq

Ngày hôm nay, công nghệ sân bay Long Thành là cạnh tranh, hiện đại nhất nhưng 10,15 năm nữa thế nào?

Đại biểu Dương Trung Quốc

Trả lời phỏng vấn VTC News, rằng "vừa xây dựng cảng HKQT Long Thành, vừa nâng cấp, cải tạo sân bay Tân Sơn Nhất có làm phân tán nguồn lực quốc gia, có thể dẫn đến không phát huy tối đa hiệu quả của 2 cảng hàng không?", đại biểu Dương Trung Quốc khẳng định đây là một bài toán kinh tế lớn cần lời giải thấu đáo.

"Đương nhiên một lúc làm 2 công trình là khó. Hiện tại, để sân bay Long Thành có máy bay cất cánh là câu chuyện của 10-15 năm nữa. Cho nên, chuyện cải tạo sân bay Tân Sơn Nhất là điều tất yếu. Nhưng phải tính là sau này có Long Thành rồi thì phải khai thác Tân Sân Nhất thế nào cho hợp lý nhất.

Chúng ta đang bị quá tải về mặt hàng không. Ngay trong ngắn hạn, chúng ta khai thác tối đa các hạ tầng hiện có để làm những sân bay lớn ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó là nhu cầu dự phòng phát triển lâu dài. Rõ ràng 2 vấn đề này đều cần thiết. "

Xa hơn, đại biểu Dương Trung Quốc còn tỏ ra lo lắng về bức tranh tổng thể của toàn bộ dự án. 

Bởi theo ông, khi triển khai dự án lớn, không chỉ thấy sự bề bộn trên quy hoạch mà những bộn bề phát sinh trong đời sống còn có ảnh hưởng hết sức ghê gớm.

long-thanh

Phối cảnh dự án sân bay Long Thành.

"Chúng ta đứng trước tình hình, tiền có nhưng không triển khai được vì cơ chế chưa có. Trong khi chúng ta đang chờ đợi cơ chế thì bộ máy lợi ích ngoài kia đang vận hành. Liệu chúng ta có giải quyết được không?

Dự án tới hơn 5.000 ha, xung quanh nó, chắc chắn sẽ phát triển đô thị rất lớn. Chính phủ cần quan tâm, đừng xây xong sân bay rồi mới quay ra làm đô thị. Vừa lãng phí vừa gây ra hậu quả khó lường.

Nếu chúng ta không chủ động làm trước trên quy hoạch, sẽ tạo ra hỗn loạn rất lớn. Hôm nay, ta bàn thêm con đường để thi công dự án. Tại sao không tính để con đường thi công sau này trở thành con đường của dân sinh. Hầu như chưa có một bức tranh tổng thể nào cả".

Liên quan đến việc Chính phủ chỉ định thầu, bảo lãnh cho ACV vay hàng tỷ USD để đầu tư xây dựng sân bay Long Thành, nhiều đại biểu trong buổi thảo luận ở tổ hôm nay, đều bày tỏ ý kiến lo ngại.

Theo báo cáo, vốn dự có của ACV là 1,57 tỷ USD (chiếm khoảng 37%), còn lại là đi vay. Như vậy, Chính phủ phải bảo lãnh cho doanh nghiệp này vay gần 2,6 tỷ USD.

long-thanh-3-7316-1571370546

 Sân bay Long Thành có hình dáng như một bông hoa sen.

Đại biểu Phạm Phú Quốc (đoàn TP.HCM) lo ngại “việc bảo lãnh cũng phải tính vào nợ công. Cần có đánh giá tác động ảnh hưởng đến nợ công như thế nào, có đụng trần hạn mức của Chính phủ hay không?".

Chung quan điểm, đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TP.HCM) cho rằng cần phân tích rõ tính khả thi khi Chính phủ bảo lãnh để ACV vay tiền, có thể tiềm ẩn rủi ro trong đó.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Công Hồng (đoàn Đồng Nai) băn khoăn việc chỉ định thầu cho ACV có vi phạm các hiệp định thương mại Việt Nam vừa ký kết như CPTPP? 

"Trong bối cảnh hiện tại, Chính phủ chọn giao dự án cho doanh nghiệp nhà nước. Song, quyết định này cần có 2 điều kiện: Tạo điều kiện tối đa và giám sát thật chặt. Thiếu một trong hai điều kiện ấy đều hỏng. Nhất là nguồn lực về khoa học công nghệ. Tôi cho là làm được nhưng phải giám sát thật chặt", đại biểu Dương Trung Quốc bình luận. 

Hiện tại, Cơ quan thẩm tra của Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo thêm về tác động cụ thể đến nợ công nếu bảo lãnh cho ACV vay vốn.

ACV là doanh nghiệp do Nhà nước chi phối, nên dù huy động vốn dưới hình thức nào thì Nhà nước vẫn có trách nhiệm trong việc xử lý khi có rủi ro đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Do đó, kể cả việc Chính phủ không cấp bảo lãnh đối với khoản vay này thì cũng cần có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan có thẩm quyền đối với hoạt động vay, sử dụng vốn vay của ACV.

Ngoài ra, cũng cần cân nhắc về khả năng huy động vốn của ACV vì phải đồng thời thực hiện đầu tư mở rộng Cảng hàng không Tân Sơn Nhất cũng như các cảng hàng không khác trên cả nước.

Duy Thành
Bình luận
vtcnews.vn