• Zalo

‘1 số, 1 chút, 1 tý’..., tiếng Việt bị viết sai rồi

Ý kiếnThứ Năm, 12/10/2023 07:00:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Do thói quen viết tắt hoặc vì không hiểu bản chất của chữ “một”, nhiều người đã viết “1 chút”, “1 số”… cả trong văn bản.

Đọc báo mạng, nhiều lúc độc giả phải cau mày vì vấp phải “sạn” về tiếng Việt, nhất là những trường hợp viết sai không phải vì ẩu mà do không nắm rõ tiếng Việt. Việc viết số 1 thay vì chữ “một” trong các từ “một số”, “một chút”, “một tý”, “một vài”… thuộc về trường hợp này.

Thật ra, nhiều người trong chúng ta vẫn viết “1 số”, “1 chút”… trong sổ tay, giấy nhớ khi cần ghi chép thật nhanh. Đó là một kiểu viết tắt, không được dùng trong các văn bản.

Thế nhưng thỉnh thoảng, cách viết sai này vẫn xuất hiện trên các bài báo hay văn bản khác. Loại trừ chuyện cẩu thả và “quen tay”, chắc rằng một số người không nhận ra mình viết sai, không biết sự khác nhau giữa “một” và “1” trong trường hợp này.

Nhiều người không hiểu sự khác nhau giữa "một" và "1" trong các từ này. (Minh họa: Huy Mạnh)

Nhiều người không hiểu sự khác nhau giữa "một" và "1" trong các từ này. (Minh họa: Huy Mạnh)

“Một” trong các từ trên không phải số đếm, vì thế, không thể viết là “1”. Về mặt từ loại, “một” là số từ, nhưng khi kết hợp với “chút”, “ít”, “vài”, “mai”, “lòng”… thì từ ghép được tạo thành lại là danh từ, ý nghĩa cũng không còn chỉ đơn vị số lượng bé nhất là 1.

Chẳng hạn, “một chút” theo Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học là một mức nào đó thôi, không đáng kể; “một ít” là một phần rất nhỏ nào đó thôi, không đáng kể. “Một mai” là thời điểm nào đó trong tương lai không xa; “một lòng” là tình cảm trước sau như một trong việc gì đó…

Những từ như “một số”, “một vài” tuy nói về số lượng nhưng lại có ý nghĩa nhiều hơn một.

Nhiều cụm từ khác cũng vậy, tuy chứa “một” nhưng ý nghĩa không còn là chuyện của con số, như “một chín một mười” (tương đương, xấp xỉ nhau, hơn kém không đáng kể), “một đồng một cốt” (những kẻ cùng một bản chất xấu xa), “một mất một còn” (sự đấu tranh gay gắt, quyết liệt, không thể thỏa hiệp hay hòa hoãn)…

Tóm lại, chữ “một” đứng riêng là số từ, chỉ số lượng đơn vị tối thiểu - một đơn vị, nhưng khi trở thành một phần của các danh từ hay cụm từ nói trên thì nghĩa tổng thể đã khác, vì vậy không thể dùng số 1 để viết.

Cách viết như vậy gây lẫn lộn giữa số và chữ, lẫn lộn về từ loại, làm hỏng tiếng Việt.

Bạn nghĩ gì về vấn đề này? Hãy chia sẻ ý kiến ở box bình luận bên dưới.

Trang Vũ
Bình luận