• Zalo

'Yêu cầu trọng dụng nhân tài nhưng vẫn bổ nhiệm người nhà thì trách nhiệm thuộc về ai?'

Thời sựThứ Hai, 30/10/2017 19:01:00 +07:00Google News

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) bày tỏ băn khoăn khi nghị quyết của Đảng đề cập rất rõ yêu cầu là trọng dụng nhân tài nhưng thực tiễn vẫn cứ xảy ra việc bổ nhiệm người nhà, người thân.

Ngày 30/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nêu thực tế: “Nhiều Nghị quyết của Đảng rất đúng, trúng, sát thực tế nhưng thực hiện rất chậm, không đầy đủ, không thực hiện, thậm chí thực hiện làm trái. Như Đảng nói giảm biên chế nhưng thực tế bộ máy cứ phình ra”.

truong trong nghia -hoi truong

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu tranh luận. 

Bên cạnh đó, đại biểu Nghĩa cho rằng Nghị quyết của Đảng đã đưa ra yêu cầu là trọng dụng nhân tài nhưng thực tiễn lại xảy ra việc bổ nhiệm người nhà, người thân.

“Vậy trách nhiệm để xảy ra tình trạng này thuộc về ai. Biện pháp nào để xử lý việc này”, ông Nghĩa nêu câu hỏi.

Vị đại biểu này phản ánh, có tình trạng phụ huynh biết con cái có trình độ, năng lực kém nên tìm mọi cách để chạy cho vào biên chế nhằm kiếm việc nhẹ nhàng.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng, cải cách bộ máy hành chính Nhà nước chưa đạt được mục tiêu, chưa đáp ứng kỳ vọng của nhân dân.

"Vẫn còn thái độ vô cảm của cán bộ Nhà nước trước tiếng kêu cứu của người dân", ông Nhân nói.

Dẫn lại vụ cống nước tại 146 Quán Thánh, vị đại biểu này gọi đây như gáo nước dội vào nền hành chính vì dân phục vụ, trong đó hình ảnh cụ già gần 80 tuổi giành giật với cơ quan kiểm tra vỉa hè.

"Cái cống nước ở Quán Thánh ô nhiễm nhưng nó không ô nhiễm bằng tư duy, nhận thức đang len lỏi trong một bộ phận cán bộ công chức hiện nay.

Liệu đây có phải là nền hành chính mà chúng ta đang xây dựng và người dân đang mong mỏi từ Nhà nước. Câu trả lời là không", đại biểu Nhân nhấn mạnh.

pham trong nhan

 Đại biểu Phạm Trọng Nhân.

"Cải cách bộ máy hành chính Nhà nước tưởng dễ mà lại quá khó, khó chủ yếu là lòng người. Nếu lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm quá lớn thì cần thiết một bàn tay sắt. Phải xác định tăng biên chế, bộ máy là tham nhũng thì mới xử lý rốt ráo được.

Phải sửa chữa ngôi nhà dột từ bên trong. Trong cuộc cải cách này dù phải lấy đá ghè chính chân mình cũng phải làm", đại biểu Phạm Trọng Nhân nêu.

Video: Đại biểu Quốc hội hiến kế tinh giản biên chế

Trong khi đó, đại biểu Lê Thanh Vân, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách cũng phản ánh việc bộ máy có số cán bộ đông nhưng nhưng chất lượng thì kém. Vì vậy, ông Vân cũng đề nghị tiến hành rà soát công tác cán bộ. Bởi vừa qua qua có nhiều thông tin phản ánh về tình trạng cán bộ gian dối bằng cấp, khai gian lý lịch.

“Dối trên lừa dưới thì cần chấn chỉnh ngay. Làm được như thế thì sẽ chấn chỉnh được bộ máy”, đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn