Trong sáng kiến nhằm chống lại tác động của biến đổi khí hậu, như băng tan, một nhà nghiên cứu đang khám phá chiến lược vượt trội. Đó là tạo ra bức rèm khổng lồ dưới nước bọc quanh sông băng Thwaites, khu vực được xem như “sông băng ngày tận thế”.
Tên gọi "sông băng ngày tận thế" lấy từ mối lo ngại về khả năng đóng góp của sông băng Thwaites vào việc mực nước biển dâng toàn cầu. Các nhà khoa học đang theo dõi chặt chẽ nó, vì khả năng nó ảnh hưởng đáng kể đến mực nước biển toàn cầu nếu sụp đổ hoàn toàn.
Mối lo ngại bắt nguồn từ việc sông băng Thwaites đóng vai trò là nhân tố chủ chốt. Hiện băng ở sông Thwaites dần tan chảy góp phần vào 4% mực nước biển dâng trên toàn cầu. Kể từ năm 2000, Thwaites mất hơn 1.000 tỷ tấn băng. Nếu con sông băng này tan chảy và sụp đổ hoàn toàn, dòng băng từ bên trong Nam Cực cũng sẽ nhanh chóng tan theo rồi hòa vào đại dương, dẫn đến mực nước biển tăng đáng kể trên toàn thế giới.
Lúc đó, các thành phố như New York, Miami và New Orleans sẽ hứng chịu nhiều trận lũ lụt tàn khốc. Trên toàn cầu, 97 triệu người sẽ rơi vào tình trạng nước xâm lấn nhanh chóng, khiến nhà cửa, cộng đồng và sinh kế của họ gặp nguy hiểm.
John Moore, một nhà nghiên cứu băng hà và địa kỹ thuật tại Đại học Lapland, đưa ra sáng kiến cho một dự án đầy tham vọng, bằng cách đề xuất triển khai bức rèm dưới nước dài 100 km để ngăn dòng nước biển ấm lên tác động đến sông băng Thwaites.
Theo báo cáo của tờ Business Insider, John Moore cùng với các nhà nghiên cứu khác cho biết, họ cần 50 tỷ USD cho dự án đặc biệt này. “Nghe có vẻ khủng khiếp quá, nhưng hãy so sánh giữa chi phí này với các chi phí khắc phục hậu quả rủi ro: Chi phí bảo vệ mực nước biển trên toàn thế giới, chỉ riêng việc bảo vệ đường bờ biển, dự kiến sẽ vào khoảng 50 tỷ USD mỗi năm cho mỗi mét mực nước biển dâng lên”, Moore nói.
Mặc dù trước đây John Moore đề xuất giải pháp tương tự liên quan đến bức tường lớn, nhưng ông nói với tờ Business Insider rằng, ông ủng hộ bức rèm dưới nước này như một giải pháp thay thế an toàn hơn và dễ thích nghi hơn.
Bình luận