• Zalo

Ý kiến trái chiều về đề xuất thành lập lại Bộ Giáo dục

Tin tức - Sự kiệnChủ Nhật, 23/02/2020 11:32:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Nhiều chuyên gia tranh luận về đề xuất đưa mảng đào tạo từ Bộ GD&ĐT và giáo dục nghề nghiệp từ Bộ LĐ-TB-XH sáp nhập về Bộ Khoa học và Công nghệ.

Mới đây, tại hội thảo góp ý “Báo cáo đề xuất, kiến nghị cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026” của Bộ Nội Vụ, TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ), cho biết cơ cấu Chính phủ tại nhiều quốc gia trên thế giới có quy mô dân số, nền kinh tế lớn hơn Việt Nam nhiều lần nhưng số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ thường dao động con số dưới 20.

Trong đó, TS Tuấn đề xuất thành lập lại Bộ Giáo dục, chuyển nhiệm vụ đào tạo về Bộ Khoa học và Công nghệ, đổi tên thành Bộ Khoa học Công nghệ và Đào tạo. Đồng thời, điều chuyển việc đào tạo nghề từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về Bộ Khoa học Công nghệ và Đào tạo.

Gắn đào tạo đại học với nghiên cứu khoa học là hợp lý

Theo GS.TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, đề xuất sáp nhập, thành lập lại Bộ Giáo dục là hợp lý trong thời đại công nghiệp 4.0 như hiện nay. Nên để khoa học và đại học gắn liền với nhau.

Bởi, bên cạnh việc giảng dạy cử nhân có trình độ tay nghề cao, thì các trường đại học cũng có nhiệm vụ quan trọng là nghiên cứu khoa học, ứng dụng thực tiễn cuộc sống.

Ý kiến trái chiều về đề xuất thành lập lại Bộ Giáo dục - 1

Một số chuyên gia đồng ý với đề xuất tách mảng đào tạo từ Bộ GD&ĐT về Bộ Khoa học và Công nghệ với hy vọng tạo động lực thúc đẩy các trường phát triển mạnh mẽ hơn trong nghiên cứu khoa học ứng dụng. 

GS Quân dẫn chứng, năm 1990 Chính phủ quyết định thành lập Bộ Giáo dục và Đào tạo trên cơ sở sáp nhập Bộ Giáo dục, Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề nhằm quản lý thống nhất hệ thống giáo dục quốc dân, từ mầm non đến giáo dục đại học và sau đại học. Có nghĩa mảng đào tạo từng tồn tại riêng biệt với giáo dục phổ thông.

Sở dĩ giờ chúng ta nên tách ra vì đào tạo đại học giờ là đại trà, cần định hướng đến nghiên cứu nhiều hơn. Nếu làm được vậy sẽ dễ dàng kéo đội ngũ giảng viên về gần với cán bộ nghiên cứu ở các viện thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Hứa hẹn nhiều công trình nghiên cứu hơn sẽ được ra đời”, vị này cho hay.

Đồng thời, GS Quân cũng cho rằng, việc điều chuyển mảng đào tạo đại học này theo hướng tinh giản không phải sáp nhập cơ học; góp phần vào giảm tải gánh nặng về mặt biên chế, hành chính cho nhà nước. Một số vụ, viện, trường đại học trực thuộc nhập vào nhau. Từ đó giúp nâng cao mục tiêu vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu khoa học.

Tương tự, TS Nguyễn Vinh Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, hiện nay lực lượng các nhà khoa học tập trung khá nhiều ở các trường đại học, nhưng vẫn còn yếu ở mảng nghiên cứu. Do đó, việc sáp nhập là hợp lý và hoàn toàn có căn cứ.

Khi thống nhất được con người với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học thì sẽ đẩy mạnh hơn rất nhiều các công trình có tính thực tiễn với xã hội và phát triển nền kinh tế chung.

Cùng với đó, vị này cũng cho biết, việc đưa mảng đào tạo nghề nghiệp từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về cùng, vừa giảm được biên chế, tinh gọn bộ máy, cũng là cách để thúc đẩy phát triển mạnh hơn khoa học vào đời sống con người.

Không phải lúc thích hợp để tách

Trong khi đó, PGS.TS Đỗ Văn Xê, Hiệu trưởng Đại học Hùng Vương TP.HCM lại lo lắng trước đề xuất trên. Ông cho rằng: “Chúng ta tự mặc định nhiệm vụ của đại học là nghiên cứu khoa học; nhưng thực chất giá trị cốt lõi chủ yếu đào tạo ra con người, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ”.

Dĩ nhiên, trường đại học là nơi tập trung đông đảo tầng lớp tinh hoa của xã hội nên rất cần nghiên cứu khoa học. Dẫu sao thì cái hồn của trường phải là giảng dạy. Nghiên cứu khoa học thuộc về các vụ, viện… đây mới là những nơi cần tính toán lại.

Ý kiến trái chiều về đề xuất thành lập lại Bộ Giáo dục - 2

Một số chuyên gia phản đối việc thành lập lại Bộ GD&ĐT.

Ở góc độ nào khác, vị PGS này bày tỏ, hình như các trường đang hô hào phong trào làm nghiên cứu khoa học quá nhiều mà quên đi phạm trù giữa nghiên cứu phục vụ giảng dạy và nghiên cứu phục vụ khoa học.

Giảng dạy không phải chỉ trau dồi, truyền thụ các kết quả của nghiên cứu khoa học mới, mà phải dạy từ những cơ sở gốc gác của vấn đề được hình thành qua hàng trăm năm, “không chăm gốc tốt, làm sao có cây to”.

"Tiêu chí để công nhận một trường đại học nghiên cứu rất cao, số trường trên cả nước đạt được mức này gần như bằng không. Do đó, khi nào một nửa số trường đại học của ta trở thành đại học nghiên cứu thì mới tính đến chuyển giao mảng đào tạo sang Bộ Khoa học và Công nghệ”, PGS Xê nhấn mạnh.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, thành viên nhóm tư vấn Ủy ban quốc gia về đổi mới giáo dục đào tạo cho rằng, hiện nay ít nước trên thế giới dùng thuật ngữ đào tạo cho cả đại học và nghề, mà gọi là giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.

Hình thái giáo dục phổ thông, đại học hay trung học chuyên nghiệp đều mang chức năng chung tạo ra nguồn nhân lực lao động có trình độ cao cho xã hội, do đó nên giữ nguyên các bộ phận này.

Thực chất, nếu có sáp nhập, chỉ thuận lợi ở chỗ, Bộ Khoa học và Công nghệ đang tập trung phần lớn các việc nghiên cứu nên sẽ dễ dàng tập trung nguồn lực nghiên cứu hỗ trợ các trường đại học.

TS Vinh cho rằng, nhẽ ra các viện thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ nên đưa về thuộc Bộ GD&ĐT hoặc trực thuộc các trường đại học lớn mới đúng. Vì hiện nay các trường đại học và viện nghiên cứu đang quá độc lập, không có sự phụ thuộc tương trợ lẫn nhau, từ trang thiết bị tiên tiến, trình độ nghiên cứu cao… đang rất lãng phí về mặt chất xám.

“Chúng ta không nên tách các lĩnh vực từ Bộ GD&ĐT ra, chỉ cần tái cơ cấu lại các cơ quan trực thuộc vẫn sẽ đảm bảo tính tinh giản biên chế, gọn nhẹ bộ máy. Bởi hiện nay bậc phổ thông đã phân cấp cho các tỉnh, thành phố quản lý; các trường đại học đã tự chủ, thực chất Bộ GD&ĐT chỉ đang quản lý, giám sát, bồi dưỡng công tác về mặt chuyên môn, còn con người thì không”, vị TS cho hay.

Đồng thời, giáo dục từ mầm non đến đại học đang là một thể thống nhất, liên thông trực tiếp với nhau. Về bản chất việc tách rời ra làm hai bộ sẽ khiến cho hệ thống gặp khó khăn trong hướng nghiệp, phân luồng, đầu vào, đầu ra của các trường đại học và giáo dục nghề nghiệp, nếu tách ra sẽ khó điều phối.

“Vì thế không nên thành lập lại Bộ GD&ĐT mà hãy sáp nhập Bộ GD&ĐT, Bộ KHCN và Tổng cục GDNN thành một là hợp lý để phát huy sức mạnh tổng hợp cho hệ thống”, TS Vinh đề xuất.

Số lần Bộ GD&ĐT trải qua sáp nhập và đổi tên:

Ngay từ những ngày đầu sau khi cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, Nhà nước ta khi đó đã cho thành lập Bộ Quốc gia giáo dục- một trong những bộ đầu tiên được ra đời.

Năm 1965, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn việc thành lập Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, tách khỏi Bộ Giáo dục.

Năm 1987, Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Trung ương được sáp nhập vào Bộ Giáo dục; nhà trẻ, mẫu giáo hợp nhất lại thành ngành học Mầm non, nay còn gọi là bậc học Mầm non.

Năm 1988, sáp nhập Tổng cục Dạy nghề vào Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp thành Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề.

Năm 1990, Chính phủ quyết định thành lập Bộ Giáo dục và Đào tạo trên cơ sở sáp nhập Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề. Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý thống nhất hệ thống giáo dục quốc dân từ mầm non đến giáo dục đại học và sau đại học.

Năm 1998, bộ phận dạy nghề được tách ra, thành lập Tổng cục Dạy trực thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Năm 2017, tổng cục này tiếp nhận thêm 500 trường trung cấp, cao đẳng từ Bộ GD&ĐT và đổi tên thành Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.

 

 

 

 

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn