Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thực hiện chuyến thăm chính thức Indonesia (từ ngày 22 đến 24/8) và chuyến thăm cấp nhà nước Myanmar (từ 24 đến 26/8) đúng dịp Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) kỷ niệm 50 năm ngày thành lập và Việt Nam kỷ niệm 22 năm ngày gia nhập ASEAN. Cả Indonesia và Myanmar đều là các đối tác quan trọng của Việt Nam trong ASEAN, vì thế mà chuyến thăm của Tổng Bí thư và lãnh đạo cấp cao lần này không chỉ nhằm củng cố nền tảng quan hệ song phương mà còn thúc đẩy việc mở rộng hợp tác dựa trên các cơ chế, khuôn khổ hợp tác khác trên bình diện đa phương.
Thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Indonesia
Chuyến thăm Indonesia của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mang nhiều ý nghĩa lịch sử bởi đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư thăm chính thức Indonesia kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2013. Không chỉ nhằm xác định khuôn khổ, thể hiện dấu mốc mới cho quan hệ hai nước mà chuyến thăm còn hứa hẹn mở ra tương lai phát triển quan hệ song phương trong thời kỳ mới.
Phải thừa nhận rằng qua hơn 6 thập kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao (năm 1955), kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno xây đắp nên tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc, trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, mối quan hệ Việt Nam - Indonesia đã có những bước phát triển mạnh mẽ và quan trọng, thể hiện trên nhiều lĩnh vực.
Trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng, hai nước đã và đang hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) và ASEAN mở rộng (ADMM+),.. Hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, du lịch đạt nhiều kết quả. Hiện nay, Việt Nam và Indonesia đang nỗ lực đàm phán nhằm sớm giải quyết vấn đề phân định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), tạo đà cho quan hệ hai nước phát triển sâu rộng hơn nữa trong tương lai. Hai bên cũng cam kết tiếp tục phối hợp giải quyết tốt các vấn đề chung, trong đó có chống khủng bố, cướp biển, chạy đua vũ trang, phổ biến vũ khí hạt nhân ...
Là những nước lớn và có vị trí quan trọng trong ASEAN, Việt Nam và Indonesia có nhiều lợi ích tương đồng. Hai nước đều nhấn mạnh, cần chung tay để xây dựng một Cộng đồng ASEAN thống nhất, hòa bình và thịnh vượng. Hai bên mong muốn duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông và Đông Nam Á, mong muốn giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hướng tới sớm hoàn tất việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Từ góc độ kinh tế, Việt Nam và Indonesia là những nền kinh tế đang trỗi dậy, phát triển nhanh chóng. Indonesia có nền kinh tế lớn thứ 16 trên thế giới và cũng là thị trường lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Năm 2016, kinh tế Indonesia tăng trưởng 5,02%, trở thành một trong 10 quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới. Những năm gần đây, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Indonesia đã có những bước phát triển đáng khích lệ. Kim ngạch trao đổi hàng hóa hai chiều tăng từ 4,6 tỷ USD trong năm 2012 lên 5,6 tỷ USD trong năm 2016 với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 5%/năm. Hai bên phấn đấu đạt mốc 10 tỷ USD vào năm 2018. Đến tháng 4/2017, Indonesia tiếp tục đứng thứ 5 trong ASEAN và hạng 30/105 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 59 dự án, tập trung vào các lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí, khai thác than, ngân hàng, khách sạn, chế biến xuất khẩu gỗ, sản xuất sợi và may mặc.
Phải khẳng định rằng chuyến thăm chính thức Indonesia lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện nhất quán đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, hợp tác và phát triển; khẳng định chính sách Việt Nam tiếp tục coi trọng và tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị, truyền thống với các nước láng giềng khu vực, đặc biệt là các nước ASEAN. Chuyến thăm nhằm tiếp tục củng cố tin cậy, hiểu biết giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước; làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác trên cơ sở quan hệ Đối tác chiến lược đã thiết lập, tăng cường phối hợp trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực. Trên cơ sở mối quan hệ tốt đẹp và tiềm năng hợp tác rộng lớn, chuyến thăm chính thức Cộng hòa Indonesia lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ là dấu mốc quan trọng, tạo bước chuyển biến mới, thực chất hơn trong quan hệ hai nước.
Động lực mới cho quan hệ Việt Nam - Myanmar
Chuyến thăm cấp Nhà nước Myanmar của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng theo lời mời của Tổng thống Htin Kyaw diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 42 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 70 năm ngày Việt Nam lập Văn phòng đại diện đầu tiên tại Myanmar, quan hệ Việt Nam - Myanmar đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, đi cùng các thời cơ và thuận lợi. Chuyến thăm lần này được đánh giá là dấu mốc mới, tầm cao mới, xung lực mới cho quan hệ hai nước trên tất cả các lĩnh vực để đưa hợp tác ngày càng thiết thực và hiệu quả hơn.
Với tiềm năng hợp tác sẵn có và tiếp tục đà phát triển quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, có thể nói chuyến thăm chính thức Myanmar của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tạo thêm động lực để đưa quan hệ hợp tác song phương phát triển lên tầm cao mới, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam và Myanmar ngày càng gắn kết và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới.
Trong những năm qua, Việt Nam và Myanmar duy trì 12 lĩnh vực hợp tác trong đó ưu tiên là nông nghiệp, trồng cây công nghiệp, thủy sản, tài chính - ngân hàng, hàng không, viễn thông, dầu khí, khai thác khoáng sản, sản xuất thiết bị điện, sản xuất và lắp ráp ô tô, xây dựng và đầu tư - thương mại. Với gần 60 dự án cùng tổng vốn đầu tư hiện nay trên 2 tỷ USD, từ vị trí số 10, trong 2 năm lại đây, Việt Nam đã đứng ở vị trí thứ 7 về đầu tư FDI và vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 tại Myanmar.
Một trong những thành công nhất trong chuyến thăm Myanmar lần này là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Htin Kyaw đã nhất trí thiết lập khuôn khổ quan hệ “Đối tác Hợp tác toàn diện Việt Nam - Myanmar”. Hai bên đã trao đổi và nhất trí về các định hướng, phương hướng lớn nhằm tạo dấu mốc mới, tầm cao mới và động lực mới cho quan hệ hai nước trên tất cả các lĩnh vực trong thời gian tới. Hai bên cũng nhất trí tăng cường quan hệ chính trị ở các cấp, đặc biệt ở cấp cao nhất, tiếp tục củng cố hơn nữa quan hệ giữa hai nước trên tất cả các kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các ngành và các địa phương; đẩy mạnh giao lưu nhân dân, trong đó có mở rộng giao lưu giữa thế hệ lãnh đạo trẻ và giữa thanh, thiếu niên hai nước.
Về hợp tác quốc phòng - an ninh, hai bên nhất trí sớm thiết lập Cơ chế đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Phó Tổng tham mưu trưởng và cơ chế Nhóm làm việc chung cấp Cục trưởng đối ngoại; tăng cường hợp tác công nghiệp quốc phòng, doanh nghiệp quốc phòng, hợp tác đào tạo, quân y; tăng cường trao đổi thông tin, tham vấn, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương, nhất là trong khuôn khổ các Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và ASEAN mở rộng, khẳng định cam kết không cho phép bất cứ cá nhân hoặc tổ chức nào sử dụng lãnh thổ nước này để chống phá nước kia.
Về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, hai bên nhất trí cần tiếp tục phối hợp trao đổi thông tin, quan điểm trong các tổ chức như: Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS), Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) và Tổ chức hợp tác kinh tế 3 dòng sông Ayeyarwady - Chao Phraya - Mekong (ACMECS) nhằm đẩy mạnh hợp tác sử dụng bền vững và hiệu quả nguồn nước sông Mekong, vì sự phát triển thịnh vượng chung của khu vực cũng như của mỗi nước. Tổng thống Htin Kyaw khẳng định Myanmar hoàn toàn ủng hộ Việt Nam ứng cử ghế Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhất trí cho rằng các tranh chấp trên Biển Đông cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982; thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, sớm đạt được COC để gìn giữ hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác ở khu vực.
Với những tiềm năng và lợi thế này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Htin Kyaw khẳng định Việt Nam và Myanmar cần phát huy vai trò, tiếp tục phối hợp và hợp tác chặt chẽ với các nước thành viên khác của ASEAN trong việc duy trì đoàn kết, thống nhất nội khối, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc khu vực, hiện thực hóa các mục tiêu của Cộng đồng và góp phần duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.
Phối hợp tích cực trong cơ chế hợp tác ASEAN
Indonesia có vị trí địa lý chiến lược, vị thế và uy tín quốc tế cao cả ở tầm khu vực và toàn cầu, xuyên suốt từ thập niên 50 của thế kỷ trước: là một trong những nước sáng lập ASEAN năm 1967; có vai trò đi đầu trong các nỗ lực hợp tác của ASEAN với sáng kiến tổ chức Cuộc gặp không chính thức Jakarta (JIM) trong những năm 80 để góp phần tìm giải pháp cho vấn đề Campuchia; chủ trì Hội nghị cấp cao lần thứ nhất của ASEAN cho ra đời Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC) mang tính nền tảng, định hướng lâu dài cho hợp tác khu vực.
Trong khi đó, lịch sử hiện đại của Myanmar trong mối quan hệ với khu vực ASEAN mới chỉ bắt đầu từ năm 1997, khi quốc gia này trở thành thành viên của khối. Và từ năm 2012, Myanmar cũng mới bắt đầu mở cửa kinh tế sau khi Mỹ và Châu Âu hủy bỏ cấm vận. Từ đó Myanmar liên tục tiến hành cải cách nhằm thu hút vốn nước ngoài với chiến lược mới nhất của giai đoạn 2017 - 2020 là tập trung vào phát triển công nghiệp, tận dụng các lợi thế của Cộng đồng Kinh tế ASEAN và thu hút FDI.
Hiện cả Indonesia và Myanmar đều là hai đối tác quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á. Vì thế mà chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và lãnh đạo cấp cao lần này không chỉ củng cố nền tảng quan hệ song phương mà còn thúc đẩy việc mở rộng các hợp tác dựa trên các cơ chế, khuôn khổ hợp tác khác trên bình diện đa phương. Đặc biệt, ở thời điểm ASEAN đang kỷ niệm 50 năm thành lập, đây là dịp thích hợp để Việt Nam, Indonesia, Myanmar cùng suy ngẫm về chặng đường 50 năm hình thành và phát triển của ASEAN, rút ra những bài học bổ ích và cùng nhau xác định tầm nhìn chiến lược mới và những chính sách, biện pháp phù hợp, nhằm bảo đảm một tương lai phát triển bền vững cho khu vực.
Để thúc đẩy mối quan hệ trong ASEAN nói chung và Việt Nam với Indonesia, Việt Nam với Myanmar nói riêng, ngoài việc chia sẻ lợi ích và những giá trị tương đồng giữa các nước, việc xây dựng Cộng đồng ASEAN thành một thể thống nhất, gắn bó quan trọng hơn bao giờ hết. Bài học giúp ASEAN thành công trong suốt 50 năm qua cũng chính là giữ vững “độc lập, tự cường”, “đoàn kết, thống nhất”, giữ được “vai trò trung tâm” trong các cơ chế hợp tác khu vực, kiên trì “phương thức ASEAN - tham vấn và đồng thuận”. Vì vậy, một ASEAN đoàn kết, thống nhất, vững mạnh, tăng cường liên kết nội khối và mở rộng quan hệ với bên ngoài cũng chính là lợi ích lớn nhất của tất cả các nước.
Để hiện thực hóa “Tầm nhìn ASEAN 2025”, trong chuyến thăm hai nước thành viên ASEAN lần này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh ASEAN cần nỗ lực thực hiện 3 điểm: xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN thực sự gắn kết, vững mạnh và phát triển thịnh vượng; duy trì và củng cố hòa bình, ổn định của khu vực; tăng cường quan hệ với các đối tác bên ngoài, đồng thời củng cố, phát huy hiệu quả vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc đang định hình ở khu vực.
Bình luận