Hôm 18/10, Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết, khu vực Aghdam, giáp Nagorno-Karabakh, bị pháo kích của Armenia. Theo Bộ Quốc phòng Azerbaijan, trong đêm, các đơn vị quân đội Armenia đã nã pháo cỡ lớn dọc biên giới nước này. Tuy nhiên, Armenia phủ nhận cáo buộc.
Ngược lại, Armenia cho biết, quân đội Azerbaijan đã nã pháo hai lần trong đêm vào lãnh thổ nước này, cáo buộc Baku từ chối yêu cầu rút binh sĩ bị thương khỏi chiến trường.
“Yêu cầu này đã bị Baku từ chối một cách rõ ràng”, Bộ Ngoại giao Armenia cho biết. Azerbaijan gọi tuyên bố của Bộ Ngoại giao Armenia là hoàn toàn sai lệch.
“Quân đội Armenia đã bắn vào khu vực lân cận thành phố Jabrail, cũng như các ngôi làng của vùng này... bằng súng cối và pháo”. Bộ Quốc phòng Azerbaijan thông tin và cho biết quân đội nước này đã "thực hiện các biện pháp đáp trả tương xứng".
Quốc phòng Azerbaijan cũng cho biết thêm, các đơn vị quân đội nước này bắn rơi máy bay chiến đấu Su-25 của Armenia khi "máy bay đang cố gắng thực hiện các cuộc không kích vào các vị trí của quân đội Azerbaijan ở khu vực Jabrail.”. Tuy nhiên, Yerevan nhanh chóng bác cáo buộc này.
Armenia và Azerbaijan đưa ra cáo buộc này chỉ vài giờ sau khi thỏa thuận ngừng bắn mới tại vùng tranh chấp Nagorno-Karabakh có hiệu lực từ nửa đêm 17/10. Thỏa thuận mới được công bố sau một cuộc gọi của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov với những người đồng cấp từ Armenia và Azerbaijan. Trong cuộc gọi, ông Lavrov kêu gọi 2 nước tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn kí ở Matxcơva.
Trước đó, Tổng thống Nga Putin đề nghị các bên nhanh chóng ngừng bắn và thực hiện các biện pháp để giảm leo thang xung đột. Armenia và Azerbaijan đồng ý ngừng bắn từ 12h00 ngày 10/10 để trao đổi tù nhân và thi thể những người chết trong xung đột.
Tình hình ở Nagorno-Karabakh leo thang từ ngày 27/9. Baku và Yerevan cáo buộc lẫn nhau. Các trận chiến giữa hai bên đang diễn ra trên lãnh thổ tranh chấp. Cả hai cùng tăng cường thiết quân luật và kêu gọi tổng động viên để chuẩn bị cho cuộc chiến.
Các chuyên gia và nhà ngoại giao cho rằng cuộc xung đột có nguy cơ tạo ra một thảm họa nhân đạo, đặc biệt xung đột này kéo theo sự can dự ngày càng sâu của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Tình hình phức tạp hơn khi Baku được sự hỗ trợ tích cực của Thổ Nhĩ Kỳ (một thành viên NATO). Về phần Armenia, quốc gia này là một thành viên của Tổ chức Hiệp ước về an ninh tập thể (CSTO).
Bình luận