Leo thang xung đột giữa hai quốc gia Nam Kavkaz đang tiếp tục leo thang và có những biểu hiện phức tạp khi xuất hiện bên thứ ba tham gia. Trong khi đó, Nhóm Minsk (Nga, Pháp, Mỹ) kêu gọi các bên ngồi vào bàn đàm phán và cùng giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.
Hôm 10/10, dưới sự điều phối của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Armenia và Azerbaijan đồng ý ngừng bắn, tiến hành trao đổi tù nhân và thi thể những người chết trong xung đột.
Với tư cách là một trong 5 nước Ủy viên thường trực Liên hợp quốc và có mối quan hệ gần gũi với hai quốc gia Nam Kavkaz, Bắc Kinh dường như chưa thể hiện được vai trò của mình tại khu vực tranh chấp. Điều này giống như chính sách của Bắc Kinh đối với các cuộc xung đột khác trước đó ở Iraq, Syria.
Kêu gọi kiềm chế xung đột
Ngay sau khi xung đột bùng phát giữa Armenia-Azerbaijan tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm 28/9 cho biết Bắc Kinh hy vọng hai quốc gia Nam Kavkaz sẽ thể hiện sự bình tĩnh và kiềm chế trước diễn biến ngày càng trầm trọng ở Nagorno-Karabakh.
"Trung Quốc thừa nhận rằng việc đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực là vì lợi ích của tất cả các bên, bao gồm Armenia và Azerbaijan. Chúng tôi hy vọng rằng các bên liên quan sẽ thể hiện sự bình tĩnh và kiềm chế, tránh để tình hình leo thang hơn nữa, và giải quyết những mâu thuẫn, bất đồng hiện có thông qua đối thoại chính trị", ông Uông nói.
Bắc Kinh đưa ra tuyên bố trên sau khi lãnh đạo các quốc gia có tiếng nói quan trọng trong khu vực là Nga và Pháp kêu gọi các bên kiềm chế và cũng ngồi vào bàn đàm phán.
Tuyên bố của Trung Quốc cũng được đưa ra dựa trên tham vấn từ các nước lớn như Nga, Mỹ, EU. Đồng thời, nước này không thể hiện sức ảnh hưởng và tạo áp lực lên các bên tham chiến, điều mà Bắc Kinh thường sử dụng trong các cuộc xung đột ở Trung Đông hay khu vực SNG.
Trong các lần đụng độ giữa Armenia và Azerbaijan tháng 4/2020, Thư ký báo chí Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lệ Dĩnh đã bày tỏ lập trường của Trung Quốc về việc giải quyết xung đột Nagorno-Karabakh.
Theo đó, quan điểm của Trung Quốc về vấn đề Nagorno-Karabakh thể hiện “rõ ràng và chắc chắn” về việc các bên sẽ giải quyết xung đột thông qua đối thoại chính trị và giữ gìn hòa bình và ổn định trong khu vực.
“Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy sự ổn định và phát triển của khu vực này”, bà Triệu khẳng định.
Lo ngại vì vấn đề Đài Loan, Tây Tạng
Theo các chuyên gia, với vị trí là một nước có ảnh hưởng tại Liên hợp quốc, Bắc Kinh tỏ ra khá thận trọng về cuộc xung đột vũ trang ở Nagorno-Karabakh. Các nhà ngoại giao Trung Quốc rất hiếm khi đưa ra bình luận về cuộc đối đầu giữa Armenia và Azerbaijan. Và nếu có, họ sẽ cố gắng đưa ra các tuyên bố "ít đụng chạm" nhất.
Theo đó, quan điểm này của Trung Quốc xuất phát từ việc duy trì chính sách đối ngoại trung dung trong những năm gần đây của Bắc Kinh tại khu vực Kavkaz.
Ngoài ra, chính quyền Bắc Kinh bày tỏ quan điểm việc không thể chấp nhận được việc đánh chiếm hay “chiếm đóng” lãnh thổ của các bên đó trong cuộc xung đột này.
Đối với Bắc Kinh, cũng như Matxcơva, điều quan trọng là khu vực Nam Kavkaz càng ổn định càng tốt. Bởi vì điều đó sẽ giúp họ có điều kiện thuận lợi phát triển sáng kiến “Con đường Tơ lụa mới” đi qua khu vực này. Đây là dự án kinh tế và dịch vụ lớn của Bắc Kinh, nhằm hiện thực hóa sức mạnh toàn cầu và hoàn thành “giấc mộng Trung Hoa”.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng xem xét mối tương quan những gì đang xảy ra ở Kavkaz với những mối đe dọa tiềm tàng mà chính nước này phải đối mặt hoặc có thể phải đối mặt ở trong nước, đặc biệt là vấn đề Đài Loan.
Trung Quốc luôn coi hòn đảo này là vùng ly khai và bị chiếm đóng (theo cách giống như Azerbaijan coi Nagorno-Karabakh). Và chính quyền Trung Quốc nhiều lần tuyên bố sẵn sàng tiến hành cuộc chiến giành lại hòn đảo.
Đồng thời, Bắc Kinh hiểu rằng họ đang có các vấn đề tương tự ở khu vực Tây Tạng, nơi có các thế lực muốn tách khỏi Trung Quốc, hay khu vực tranh chấp Ladakh ở biên giới Ấn Độ.
Trong trường hợp Bắc Kinh bày tỏ việc ủng hộ một trong các bên trong cuộc xung đột ở Nam Kavkaz, các thế lực bên ngoài hoặc bên trong Trung Quốc có thể sử dụng điều này để chống lại chính quyền trung ương, bao gồm cả Tây Tạng. Do đó, Bắc Kinh luôn thận trọng và cố gắng tránh can dự vào cuộc xung đột phức tạp giữa Armenia và Azerbaijan.
Bình luận